Chăm sóc, phục hồi vườn sầu riêng bị ngộ độc mặn
Với mức độ chịu mặn thấp, chỉ từ 0,5‰ - 1‰, sầu riêng được xếp vào loại cây mẫn cảm với hạn mặn. Trong điều kiện ảnh hưởng của tình hình biến đổi khí hậu, và dự báo mùa khô 2019 diễn biến phức tạp, việc tìm ra giải pháp rửa mặn cho cây sầu riêng trong điều kiện hạn mặn xâm nhập sâu và kéo dài có ý nghĩa quan trọng không chỉ riêng với giống cây ăn quả này.
Vào thời điểm mùa khô lịch sử 2016, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Sự việc diễn biến bất ngờ và phần đông người dân không hề hay biết. Tại Xã Hưng Khánh Trung B, Huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, nơi chuyên canh cây sầu riêng với diện tích lớn của tỉnh Bến Tre, việc lấy nước tưới cho vườn cây vẫn diễn ra như thường lệ. Cho đến khi, hầu như tất cả các cây sầu riêng trong khu vực này bỗng có biểu hiện héo lá, rồi lá rụng đồng loạt, chỉ còn trơ trụi cành. Người dân mới bàng hoàng nhận ra, vườn sầu riêng nhà mình đã bị ngộ độc mặn.
Với cảm giác hoang mang, lo sợ, các nhà vườn nơi đây tìm đủ mọi cách để giải cứu vườn sầu riêng như bón vôi, tưới nước để rửa mặn, sau đó nhanh chóng bón đầy đủ các loại phân bón gốc, bón lá nhưng vẫn thất bại.
Cũng tại thời điểm đó, trong khi phần đông nhà vườn bất lực nhìn vườn cây của mình chết dần thì anh Nguyễn Văn Tùng – ngụ Xã Hưng Khánh Trung B, Huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre lại cứu thành công vườn sầu riêng nhà mình chỉ trong vòng 3 tháng.
Theo anh Tùng, để rửa mặn cho vườn sầu riêng của mình, anh cũng sử dụng những bước rửa mặn cơ bản như bón vôi, tưới nước để dội sạch muối ra khỏi đất. Sau đó, bón phân để cây dần hồi phục hầu hết mọi người. Khác chăng, chỉ là trong từng bước thực hiện, anh rất cẩn trọng, chỉ dùng nước đảm bảo độ ngọt phù hợp để rửa mặn cho vườn, tuyệt đối không dùng lại nguồn nước đã bị nhiễm mặn để tưới vườn. Sau đó, anh chọn dùng các loại phân bón hữu cơ tinh chất bón gốc để bộ rễ nhanh phục hồi, chứ không dùng bón phân hóa học để bón cây. Tiếp đó, anh bón bổ sung một số loại nấm để tăng cường giúp bộ rễ mạnh, hấp thu dinh dưỡng nhanh. Và khi phục hồi, anh tiếp tục dùng phân bón lá ở dạng hữu cơ nano để giúp cây phục hồi bộ lá.
Với cách làm này, chỉ trong vòng 3-4 tháng, vườn cây sầu riêng bị ngộ độc mặn của gia đình anh đã hoàn toàn hồi phục, cho lá xanh tươi trở lại. Và những tháng tiếp theo, cây bắt đầu trở lại qui trình sinh trưởng bình thường ra hoa, đậu quả với số lượng trái rất sai.
Theo Tiến sĩ Lê Quốc Điền – Giám Đốc Trung Tâm Chuyển Giao Tiến Bộ Kỹ Thuật, Viện Cây Ăn Quả Miền Nam, việc rửa mặn cho vườn sầu riêng khi bị sốc mặn cần tuân thủ đúng và đủ các nguyên tác sau:
Giai đoạn 1 là cần rửa mặn: Đầu tiên là bón vôi để rửa mặn. Tùy tuổi cây, ví dụ, cây khoảng 10 năm tuổi thì bón 0.5-1kg vôi. Lúc tiến hành, chỉ sử dụng nước ngọt để rửa. Theo đó, cần đợi nước sông hết mặn thì mới tiến hành rửa, rửa 4-5 lần.
Công tác thứ 2 là phục hồi rể bằng cách bón phân hữu cơ tinh chất. Điều này sẽ giúp phục hồi bộ rễ nhanh. Tuyệt đối không bón phân hóa học giai đoạn này. Tiếp đó là bón bổ sung một số loại nấm để tăng cường giúp bộ rễ mạnh, hấp thu dinh dưỡng nhanh.
Sau khi tái tạo đủ bộ rễ, sẽ tiến hành khôi phục bộ lá bằng các loại dinh dưỡng ở dạng hữu cơ nano. Bước này cần nhanh chóng thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần để phục hồi bộ lá. Khi bộ lá và bộ rễ hoạt động đồng bộ thì cây sẽ khôi phục rất nhanh.
Giai đoạn 2 là tăng tốc, tức sau khi vườn cây phục hồi sau đợt ngộ độc mặn thì nhà vườn nên chọn những cây khỏe mạnh để làm trái, và chỉ nên để tối đa 60 trái/cây. Vì nếu, để cây nhiều trái quá thì cây rất dễ bị suy kiệt, đồng thời chất lượng trái cũng không đảm bảo. Bà con cần cẩn trọng lưu ý để vườn sầu riêng phát triển bền vững về sau.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng khuyến cáo, khi cây sầu riêng phục hồi hoàn toàn thì nhà vườn cần chú ý cung cấp chế độ dinh dưỡng cân đối để cây phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Cụ thể, bón phân cho sầu riêng cần lưu ý bón nhiều phân hữu cơ, kết hợp phân NPK chuyên dùng, tùy giai đoạn sinh trưởng mà bón phù hợp như:
- Bón phân NPK:
- Giai đoạn sau thu hoạch
+ Bón NPK Đầu Trâu 20-20-15 +TE, hay Đầu Trâu AT1 hoặc NPK Đầu Trâu 20-15-5 +TE
+ Liều lượng 0,5 – 2 kg/gốc, tùy tuổi cây
- Giai đoạn 30-45 ngày, trước làm bông
+ Bón phân Đầu Trâu AT2, phân bón lá
- Giai đoạn trái đang phát triển
+ Bón NPK Đầu Trâu 16-16-8, hoặc phân Đầu Trâu AT2, hoặc NPK Đầu Trâu 20-15-5 +TE
- Giai đoạn nuôi trái chuẩn bị thu hoạch
+ Bón phân Đầu Trâu AT3, hoặc NPK Đầu Trâu 15-5-20
+ NPK Đầu Trâu 15-15-15, NPK Đầu Trâu 16-16-16 +TE
+ hoặc NPK Đầu Trâu 13-13-13 +TE
Đặc biệt, để tránh trường hợp trái sầu riêng bị sượng, trong chăm sóc, bà con cần lưu ý bổ sung các chất trung vi lượng, đặc biệt là canxi, magie, bo. Các chất này, sẽ giúp cho cây sầu riêng ra trái, đậu quả tốt hơn, chất lượng trái ngon, ít bị sượng. Trên thị trường hiện những công thức NPK 3 số như 3 số 13, 3 số 15, 3 số 16 là những sản phẩm phân bón cung cấp đầy đủ, cân đối các chất này. Trong đó, phân bón NPK Đầu Trâu 13-13-13 +TE chuyên dùng cho cây ăn trái, nhất là sầu riêng, là sản phẩm sử dụng hoàn toàn kali sunphat. Vì vậy sẽ giúp cho trái sầu riêng phát triển đẹp hơn, mẫu mã đẹp hơn. Đặc biệt là không sử dụng gốc Clo cho nên sẽ giúp hạn chế tỉ lệ sượng trái. Đồng thời, tỉ lệ lưu huỳnh, một trong những chất tạo mùi cho cây ăn trái, được dùng cân đối trong kali sunphat. Vì vậy, chất lượng trái cũng sẽ thơm ngon hơn.
Nội dung “Chăm sóc, phục hồi vườn sầu riêng bị ngộ độc mặn” với phần tư vấn của Tiến sĩ Lê Quốc Điền – Giám Đốc Trung Tâm Chuyển Giao Tiến Bộ Kỹ Thuật, Viện Cây Ăn Quả Miền Nam sẽ có trong chương trình CANH TÁC THÔNG MINH, phát sóng 17h15-17h35, chủ nhật, ngày 28/4/2019 trên VTV9. Mời quý độc giả đón xem.
BTV Hồng Huệ