“Ngả mũ” với cách tiếp thị sản phẩm của nông dân Thái Lan
Chưa thực sự khâm phục về lối canh tác sản phẩm nông nghiệp của người nông dân Thái Lan nhưng đoàn nông dân giỏi Việt Nam lại phải… nghiêng mình trước cách tiếp thị, quy trình đưa sản phẩm ra thị trường để tối ưu hóa chuỗi giá trị nông sản của người Thái.
Sau chuyến tham quan và học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp tại nước bạn Thái Lan, nhiều nông dân Việt phải thốt lên: Tại sao điều kiện thiên nhiên ở Việt Nam ưu đãi hơn hẳn, các loại trái cây cũng phong phú hơn nhưng chúng ta không thương mại hóa tốt như nông dân nước bạn? Tại sao vẫn có tình trạng phải "giải cứu nông sản"? Tại sao vẫn thường xuyên tái diễn tình trạng được mùa mất giá và ngược lại?...
Tham quan vườn dâu thực nghiệm tại Mae Tha, huyện Mae On, Chiang Ma. Ảnh: Q.H
Làm nông nhưng “khéo”… phát triển du lịch
Từ sân bay Tân Sơn Nhất đáp chuyến bay đến thủ đô Bangkok (Thái Lan), đoàn nông dân giỏi Việt Nam được di chuyển đến tỉnh Chachoengsao và tham quan Coconut Farm - Hợp tác xã chuyên về canh tác dừa xiêm trên vùng đất nhiễm phèn khá nặng rộng hơn 2.500 ray (một đơn vị tính của Thái Lan), tương đương khoảng 400ha của Việt Nam, và cung cấp khoảng 2.000 trái dừa/ngày, ra khắp các siêu thị trên đất nước này.
Tiến sĩ Tiva - quản lý Ratree Coconut - một nhóm 40 thành viên của Coconut Farm cho biết, Coconut Farm bao gồm 5 nhóm với 40 thành viên. Trong đó, các nhóm có phân công từng công việc cụ thể từ canh tác, chăm sóc và quản lý vườn dừa. Sau khi thu hoạch, sản phẩm được “tập kết” tại Ratree Coconut để chặt tách vỏ dừa, sau đó được dán nhãn truy xuất nguồn gốc và được đưa ra các siêu thị trên toàn đất nước Thái Lan.
“Chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất hữu cơ với vườn dừa, có nhật ký theo dõi quy trình chăm sóc đầy đủ và đảm bảo các chứng nhận an toàn của Thái Lan và quốc tế. Vì vậy, tất cả các sản phẩm đưa ra thị trường đều được "bao tiêu hết" tại các siêu thị lớn chứ không bị trôi nổi ra thị trường nhỏ lẻ. Đó là cách mà chúng tôi nâng giá trị thực tế cho mỗi trái dừa từ 22 bath (bán thông thường tại các chợ truyền thống) lên mức giá 29 - 30 bath (tại các siêu thị) nhưng cung vẫn không đủ cầu” - ông Tiva chia sẻ.
Cũng theo ông Tiva, bình quân mỗi thành viên trong Coconut Farm nhờ tuân thủ các quy trình sản xuất và nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm dừa, mà từ đó có thu nhập bình quân khoảng 1 triệu bath/tháng (khoảng 800 triệu đồng).
Tuy nhiên, đa số các thành viên của đoàn nông dân giỏi Việt Nam lại học và trầm trồ trước cách làm “du lịch”… nhiệt tình của Coconut Farm. Đó là, trong quá trình tham quan vườn dừa rộng thênh thang, cơn mưa đầu tiên năm 2019 của Thái Lan bất chợt đổ xuống khiến những thành viên trong đoàn phải chen nhau trong những lán tạm giữa vườn.
Không quản cơn mưa nặng hạt, các thành viên của Coconut Farm, thậm chí còn gỡ những tấm tôn, pano quảng bá để che mưa và tìm những chiếc công nông để chở đoàn về trang trại. Đón tiếp đoàn là những ly nước dừa ngọt lịm, rau câu dừa mát lạnh và những nụ cười tươi…
Anh Hoàng Nhu - nông dân giỏi tỉnh Sóc Trăng, cho hay: “Dù mô hình này không mới, thậm chí còn không bằng một số mô hình dừa tại tỉnh Bến Tre, bởi cách làm sáng tạo, tận dụng các sản phẩm từ cây dừa từ quả già, vỏ dừa, bon sai dừa… nhưng chính sự nhiệt tình của họ khiến cho du khách có hảo cảm. Đặc biệt, họ biết nghiên cứu thị trường và những thông tin về thị trường khiến họ có thể tận dụng chuỗi giá trị đạt hiệu quả cao nhất”.
Sau chuyến tham quan Coconut Farm, đoàn có chuyến tham quan trại rắn Hoàng gia Thái Lan và xưởng chế tác đá quý World Gems Company, trước khi bắt chuyến tàu lửa với hành trình 700km từ Bangkok lên tỉnh Chiang Mai (miền Bắc của Thái Lan).
Quy trình làm “ngược”
Sau chuyến hành trình đường dài, đoàn nông dân giỏi được tham quan một số điểm đến nổi tiếng của tỉnh Chiang Mai như Botanic Garden - một trung tâm khoa học và giáo dục về thực vật nổi tiếng của Thái Lan; Royal Park Rajapruek (Công viên Hoàng gia, còn gọi là vườn hoa hoặc vườn thượng uyển Rajapruek) trước khi ghé thăm Maetha Organic Farm (huyện Mae On, tỉnh Chiang Mai) - một HTX làm nông nghiệp hữu cơ với quy mô tới 650 thành viên là các… hộ gia đình.
Cô Mathana - Quản lý tư vấn và đại diện Maetha Organic Farm cho hay, chỉ cần làm nông nghiệp hữu cơ theo đúng quy trình thì các sản phẩm đầu ra của các thành viên không lo “dội chợ”. Theo đó, các sản phẩm từ Maetha Organic Farm được cung ứng bởi 4 kênh gồm: Thị trường Bangkok, chợ địa phương, đóng container chuyển ra các siêu thị quanh vùng và làm theo đặt hàng của các siêu thị lớn trên toàn quốc.
“Chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ khoảng 40% vốn để sản xuất, cùng một số nguồn khác nữa. Ngoài ra, các doanh nghiệp bao bì cũng liên hệ để giúp chúng tôi đóng gói bao bì sản phẩm sao cho đúng cách bởi với một số thị trường khó tính, chỉ cần một vấn đề nhỏ ở khâu bao bì đóng gói (bị bong tróc) thì sản phẩm đã là không an toàn. Chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt điều đó nên sản phẩm luôn được thị trường chấp nhận” - cô Mathana chia sẻ.
Đánh giá về cách làm của Maetha Organic Farm, TS Hồ Văn Chiến - nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, chia sẻ: “Chúng ta cứ sản xuất, sản xuất thoải mái rồi mới tính đến thị trường, đến tiêu thụ, khi đó thì mình mới nghĩ đến bao bì, đóng gói, thiết kế… Còn nông dân Thái Lan thì ngược lại, họ tính đến thị trường, đến nhu cầu của từng thị trường. Đặc biệt ở khâu bao bì, đóng gói, thiết kế mẫu mã họ đã tính trước để từ đó nâng chất cho sản phẩm rồi mới nghĩ đến chuyện sản xuất cho phù hợp nên sản phẩm dễ được thị trường đón nhận”.
100 nông dân xuất sắc tham gia khóa tập huấn kết hợp tham quan thực tế tại một số mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả của Thái Lan đến từ các đội đoạt giải Nhất của các cuộc thi lớn do Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền phối hợp với các cơ quan ban ngành liên quan tổ chức trong vòng 5 năm trở lại đây như: Chương trình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL” (thực hiện trong 3 năm từ 2015-2017); Hội thi Nhà nông đua tài Tây Nguyên tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6, năm 2017 (đội nông dân giỏi tỉnh Đăk Lăk đoạt giải Nhất); Hội thi Nhà nông đua tài 2019 tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7, năm 2019 (đội nông dân giỏi tỉnh Gia Lai đoạt giải Nhất); Hội thi Nhà nông đua tài toàn quốc lần thứ 4, năm 2017 (đội nông dân giỏi tỉnh Hà Tĩnh đoạt giải Nhất), cùng với cán bộ khuyến nông các tỉnh thành và các nhà khoa học…
Theo Quốc Hải - www.danviet.vn