Canh tác lúa thông minh – Giảm lượng giống gieo sạ
Trong canh tác lúa, nhất là vụ hè thu, việc chọn giống lúa xác nhận, chịu được phèn mặn, kết hợp kiểm soát lượng giống gieo sạ theo xu hướng giảm, chỉ dưới 100kg/ha, thậm chí là 80kg/ha đã giúp cho người trồng lúa khu vực ĐBSCL an tâm, ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt nơi đây.
Nếu như, chỉ cách đây 2 năm, phần đông nông dân các tỉnh ĐBSCL vẫn giữ thói quen chọn giống lúa theo sở thích và sạ dày với lượng giống từ 180 – 250kg/ha, thì hiện nay, tiềm năng tiêu thụ, chịu phèn mặn, giảm lượng giống gieo sạ xuống dưới 100kg/ha lại trở thành tiêu chí thông minh quyết định trong sản xuất lúa của bà con. Và giống lúa xác nhận chính là giống hội đủ các tiêu chí này.
Theo ông Bùi Công Minh, xã Kế Thành, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng - một trong những nông dân rất thành công với phương pháp canh tác lúa thông minh, thì lợi ích nổi trội của giống xác nhận so với các loại giống thường, đó là, vừa chịu được phèn mặn, lại cho năng suất cao, mà thị trường lại rất ưa chuộng. Vì vậy, giá bán của loại lúa này lúc nào cũng nhỉnh hơn nhiều so với các giống truyền thống. Từ đó, mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng.
Mặt khác, sử dụng giống lúa xác nhận để sản xuất lúa hàng hóa còn giúp giảm được lượng giống sạ, tăng tỉ lệ nảy mầm, năng suất tăng thêm 5-10%, chất lượng gạo cũng nâng lên. Đặc biệt, trong vụ hè thu, việc chọn giống xác nhận, chịu được phèn mặn đã giúp cho người trồng lúa khu vực ĐBSCL an tâm, ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt nơi đây. Ngoài ra, kết hợp kiểm soát lượng giống gieo sạ theo xu hướng giảm chỉ dưới 100kg/ha, thậm chí là còn 80kg/ha cũng sẽ là một biện pháp thông minh giúp nông dân thắng lớn vụ mùa.
Theo PGS.TS Mai Thành Phụng – Thành viên Hội đồng Cố vấn KHKT Công ty CP Phân bón Bình Điền, cơ cấu giống cho sản xuất lúa, nhất là vụ hè thu, một trong những vụ mùa bất lợi trong năm, thường được đề xuất ưu tiên theo tiêu chí ngắn ngày và chống chịu hạn, mặn, cho năng suất cao, có khả năng chống chịu với những bất lợi về thời tiết, dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ lúa gạo.
Theo đó, Các giống lúa chất lượng cao tiếp tục được khuyến khích sử dụng, tùy đặc điểm từng vùng mà có sự lựa chọn hợp lí. Như:
- Đối với vùng khó khăn nên sử dụng các loại giống: OM (ô em) 5451, OM6976, OM 4900, RVT, OM 576, OM 6162, OM 7347, các giống lúa thơm nhóm ST (ST5, ST20, ST 24...).
- Vùng ngọt là các loại giống: OM 5451, OM 5976, OM 7347, OM 3673, OM4900, OM6976
- Các giống lúa chống chịu phèn – mặn trung bình, khá: OM 6976, OM 4900, MTL 480, OM 5451, OM 6162, OM 7347, OM 9915, OM 9921, OM 9577, các giống lúa thơm nhóm ST.
Riêng, ở những vùng đặt biệt khó khăn vì nhiễm mặn phèn cao thì những giống chống chịu mặn khá tốt nhưng chất lượng gạo trung bình như: LP5, OM 9585 cần bố trí.
GS.TS Mai Văn Quyền – Thành viên Hội đồng Cố vấn KHKT Công ty CP Phân bón Bình Điền cho biết, nếu sạ dầy, bón thừa phân đạm thì dễ gây cho lúa nhiễm sâu bệnh, chi phí thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, lúa mềm dễ đổ ngã. Song song đó, thực trạng giá lúa thấp, giá vật tư và công lao động cao nên lợi nhuận thu lại từ ngành trồng lúa quá thấp so với các cây trồng khác. Và tìm cách nâng cao hiệu quả cho cây lúa là biện pháp thực tiễn hiện nay.
Ngoài các biện pháp 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm và 1 phải 6 giảm thì các kỹ thuật làm giảm đầu tư để tăng lợi nhuận là những điều bà con cần lưu ý trong canh tác lúa. Cụ thể, ngay như số lượng và tỷ lệ các chất dinh dưỡng vẫn còn có thể thay đổi để giảm bớt chi phí đầu tư. Bằng cách chọn các chủng loại phân để giảm số lượng bón như dùng phân đạm hạt vàng Đầu Trâu 46A+ thay Ure thường sẽ giúp giảm được bình quân 30% lượng phân Ure hay dùng phân Đầu Trâu DAP-Avail, giảm được trên 30% lượng lân (P) cần bón. Tiếp đó là các loại phân Đầu Trâu A1 và Đầu Trâu A2 hay Đầu Trâu 215, Đầu Trâu 215 + TE, và phân chuyên dùng Đầu Trâu Mặn - Phèn đều đạt được mục tiêu làm giảm lượng đạm, lân, kali nhưng năng suất vẫn cao hơn và lợi nhuận thu được cũng cao hơn so với nền phân bà con đang sử dụng.
Ngoài ra, nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, ở vùng ĐBSCL do lân (P) được bón tích lũy trong nhiều vụ với liều lượng cao, nên trong vùng đất phù sa và cả vùng đất phèn đã được cải tạo trồng lúa nhiều vụ thì trong đất đã chứa khá nhiều P tổng số, nên lượng P bón bổ sung không cần nhiều. Vì vậy, trong 3 yếu tố đạm-lân-kali (N-P-K) thì lượng đạm (N) cần bón đủ theo khuyến cáo, lượng lân (P) cần giảm xuống chỉ bón khoảng khoảng 100 - 150kg super hay lân nung chảy/ha/vụ (khoảng 20 - 25kg /ha/vụ), hoặc 1 vụ bón lân, 1 vụ khác nghỉ không bón lân. Còn kali thì trên các loại đất này có thể không cần bón, hoặc sau 4 - 5 vụ bón lại 1 lần, lượng bón khoảng 1 bao kali/ha/vụ, không cần bón nhiều hơn. Trên diện tích rộng do có nhiều đơn vị đất đai mà đặc điểm hóa lý khá phức tạp thì khi chế loại phân NPK vẫn cần bổ sung một ít lân và kali để bảo đảm tính an toàn tuyệt đốí và bền vững cho người sản xuất. Còn chất đạm chỉ cần bón trong khoảng 80 - 100kg/ha tùy đất và tỳ thời vụ (1kg đạm tương đương 2,17kg ure).
Nội dung “Canh tác lúa thông minh- giảm lượng giống gieo sạ”, sẽ có trong chương trình CANH TÁC THÔNG MINH, phát sóng 17h15 - 17h35, chủ nhật, ngày 31/3/2019 trên VTV9. Mời quý độc giả đón theo dõi.