Hỏi đáp về phân bón
Đặt câu hỏiẤn vào câu hỏi để xem câu trả lời
-
Tôi là SV đang làm đề tài về phân bón: Xin hỏi để kiểm tra chất lượng một lô phân bón ra lò là tốt phải xem những tiêu chuẩn gì? (Tran Van Phuong - 2A Thanh Phong, Thanh Chuong, Nghe An)
Họ tên: Tran van Phuong
Email: 2A Thanh phong thanh chuong nghe an
Địa chỉ:Trả lời:
- - Tiêu chuẩn quan trọng nhất là hàm lượng dinh dưỡng phải đúng với đăng ký trên bao bì. Với sản xuất công nghiệp, quy định cho phép sai số (đối với phân NPK là ±5%). - Độ ẩm trong giới hạn cho phép (với phân NPK Đầu Trâu có độ ẩm nhỏ hơn 4%). - Độ cứng, độ bóng, độ đồng đều (từ 2-4 mm) của hạt. - Những chất khác có trong phân bón phải nằm trong danh mục cho phép (quy định này nhằm tránh tình trạng trong phân có chất độc hại với người và môi trường).
-
Tại sao phân lân NPK cứ tan vụn ra? Làm sao để không bị vụn và để được lâu? NPK bón cho loại đất nào là tốt nhất? (Tran Van Phuong - Doi 2, Van Giang, Hung Yen).
Họ tên: tran van phuong
Email: Doi 2 Van giang hung yen
Địa chỉ:Trả lời:
Xin ông lưu ý: - Đối với phân lân có 2 dạng phổ biến: dạng hạt và dạng bột. - Đối với phân NPK nhiều nhất là ở dạng hạt. Hạt phân NPK bị tan vụn ra có thể do các nguyên nhân sau: - Chất tạo kết dính chưa đủ (hơi bất tiện khi rải phân nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng). - Hạt phân bị hút ẩm sau đó bở ra. - Do va đập cơ giới. Khắc phục: Trong quá trình bốc xếp vận chuyển phải hạn chế tối đa việc dùng móc làm thủng bao và không quăng quật quá mạnh. Sau khi mở bao phân sử dụng cần phải cột miệng bao thật kỹ. Phân NPK nói chung thường là loại phân có đầy đủ thành phần dinh dưỡng đạm, lân, kali (các loại phân NPK cao cấp còn được bổ sung nhiều nguyên tố dinh dưỡng trung vi lượng) nên bón được tốt cho tất cả các loại đất. Tuy nhiên, vì NPK có rất nhiều loại nên phải tùy từng loại cây, vùng đất mà chọn đúng loại phân NPK phù hợp (do nhà sản xuất khuyến cáo) thì mới đạt hiệu quả cao nhất.
-
Công ty Phân bón Bình Điền có phân bón hữu cơ không? Bón phân hữu cơ có đủ để cây sinh trưởng không? Cách bón? Cho biết thành phần và tác dụng của phân bánh dầu (dầu nanh), có thể tưới phân bánh dầu cho hoa cúc, vạn thọ không? (Lê Phúc Long - An Phú Đông, Hóc Môn)
Họ tên: Le Phuc Long
Email: xa An Phu Dong, Huyen Hoc Mon
Địa chỉ:Trả lời:
Công ty chúng tôi có nhiều loại phân hữu cơ, dưới tên gọi phân khoáng hữu cơ Compomix SH-RH (bón cho rau, hoa), SH-CP (bón cho cà phê), SH-CH (bón cho chè), SH-DT (bón cho dâu tằm), SH-NH (bón cho nho), SH-PC (dùng thay phân chuồng)... Các loại phân này không được sản xuất tại nhà máy ở TPHCM mà được sản xuất ở nhà máy tại Lâm Đồng để tận dụng nguồn nguyên liệu hữu cơ tại chỗ. Ông có thể liên lạc theo điện thoại 063.840416, FAX: 063.840304. Phân hữu cơ có ưu điểm lớn nhất là cải tạo đất (đặc biệt trên các loại đất nghèo dinh dưỡng thì vai trò của nó phân hữu cơ là rất quan trọng), chất dinh dưỡng trong phần hữu cơ không bằng trong phân vô cơ (nói chung) nên muốn đủ cho cây sinh trưởng thì phải bón với liều lượng tương đối lớn. Trong thực tế, người ta thường bón kết hợp 2 loại phân để tận dụng ưu điểm của chúng. Cách bón phân hữu cơ: dùng bón lót, bón thúc định kỳ tùy theo loại cây trồng. Thành phần phân bánh dầu chủ yếu là chất hữu cơ, đạm, prôtein, lipid, các chất khoáng và vitamin. Bánh dầu có thể dùng để ngâm vào nước hòa loãng tưới cho hoa cúc, vạn thọ và các cây trồng khác đều có hiệu quả khá tốt.
-
Tôi trồng hơn 3 công ớt sừng và 1 công rau các loại. Gần đây ớt bị xoăn đọt, không đậu trái; rau cải cũng bị tình trạng tương tự. Xin cho biet nguyên nhân, cách bón phân và khắc phục hiện tượng trên. Phân NPK 20-20-15TE có bón được cho cây ớt không? (Chau Phuoc Hoa - Mỏ Cày, Bến Tre)
Họ tên: Chau Phuoc Hoa
Email: Huyen Mo Cay, Tinh Ben Tre
Địa chỉ:Trả lời:
Xoăn đọt ở cây ớt có thể do: - Virus - Nhện đỏ - Rệp chích hút cũng làm lá bị xoăn - Do thiếu một số vi lượng như: kẽm, bo... Để hạn chế trường hợp bị virus, người ta thường áp dụng biện pháp luân canh. Đối với trường hợp bị nhện, rệp chích hút thì trên thị trường đã có nhiều loại thuốc BVTV chuyên trị chúng. Với trường hợp thiếu phân thì phải bón bổ sung NPK 20-20-15 TE dùng tốt cho cây ớt, giai đoạn cho trái bổ sung thêm kali hoặc xịt phân Đầu Trâu 009. Cả 2 loại phân NPK 20-20-15 TE và Đầu Trâu 009 đều có đầy đủ các thành phần vi lượng kẽm, bo... nên cũng giúp loại trừ trường hợp xoăn đọt do thiếu vi lượng.
-
Em thích hoa hồng lắm, làm sao để hoa được nở to hơn và lâu tàn? Em cũng muốn biết thông tin về hoa Bách Tiên và cách chăm sóc (Nguyễn Bảo Vũ - Uất Lâm, Hòa Hiệp Bắc, Tuy Hòa, Phú Yên)
Họ tên: Nguyễn Bảo Vũ
Email: Uất Lâm, Hòa Hiệp Bắc, Tuy Hòa, Phú Yên
Địa chỉ:Trả lời:
- 1) Khả năng nở và tuổi thọ của hoa hồng phụ thuộc vào một số yếu tố như độ già (tuổi) của cành hoa khi cắt, dinh dưỡng dự trữ của cành hoa (kết quả của quá trình bón phân chăm sóc trước đó) và phản ứng với nồng độ ethylene cao trong môi trường xung quanh. Hoa nhanh tàn, thậm chí không nở được, thường do bị cắt non hoặc thiếu dinh dưỡng dự trữ hoặc môi trường không khí xung quanh chứa quá nhiều ethylene. Để cành hoa tươi lâu, nở hết cỡ, bạn có thể làm như sau: - Ngay sau khi cắt xử lý ức chế phản ứng với ethylene bằng chế phẩm XH của Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau & Hoa cung cấp (theo khuyến cáo trên bao bì). - Sau đó cắm hoa trong dung dịch đường (10-15g/lít); có thể cho thêm một chút dấm ăn và vài giọt nước javen vào dung dịch cắm hoa; nên thay dung dịch này 3 ngày một, mỗi lần thay nên cắt bớt phần gốc cành hoa khoảng 2-3 cm. Bạn có thể giữ được cành hoa tươi và nở hết cỡ 15-20 ngày theo cách này. 2) Cây Bách Tiên (còn gọi là Bát Tiên, Euphorbia milli) dễ trồng, không kén đất. Bạn có thể trồng Bát Tiên rất tốt trên đất phù sa sông Đà Rằng ở địa phương. Trồng thêm 20-30% chất mùn hoặc phân chuồng hoai mục. Sau khi cây ra rễ và sống, bón thêm phân hoá học. Có thể dùng các loại phân chậm tan sử dụng 3-6 tháng 1 lần. Nếu không có, có thể dùng dung dịch 1 % phân NPK Đầu Trâu 20-20-15 tưới 15-20 ngày một lần. Khi cây đã tốt sắp ra hoa, có thể dùng Đầu Trâu 901 (1-2 g /lit nước) phun 7-10 ngày một lần.
-
Năm 1997, tôi có 10 cây nhãn lồng Hưng Yên (ươm bằng hạt), nay gần 6 năm, cây phát triển tốt, cao khoảng 3,5m, tán xoè rộng, lá xanh đậm. Năm 2002, tôi khoanh cành để kích thích ra hoa. Lần 1, khoanh 360o đường kính 3mm, nạo hết lớp xơ bên trong (chỉ còn thấy thân gỗ), rồi lấy dây nylon bao bọc lại theo đường kính đã khoanh. Sau 25 ngày từ mép khoanh bên trên đã nảy ra lớp vỏ mới, kéo dài xuống mép dưới lấp luôn đường dây nylon, cây vẫn không ra hoa. Lần 2, tháo các đường dây buộc theo vết khoanh và làm mới vết khoanh rộng thêm ra 4mm và nạo hết các đường dẫn nhựa trên cây. Kết quả có 3 cây bị chết và hiện còn 3 cây còn sống và chỉ duy nhất 1 cây ra hoa. Cây ra hoa, với hoa chùm, xoè rộng và ngắn, đậu quả sai, phát triển rất chậm, màu nâu, hạt rất nhỏ, cơm dày, ngọt, dòn như dừa, thơm không mọng nước, rất ngon. Chất lượng ngon hơn các loại nhãn tiêu, nhãn long. Xin cho biết: Với điều kiện Miền Trung có thích hợp cho cây nhãn lồng Hưng Yên không? Cách xử lý ra hoa? Cách bao bọc trái ? (Hà Hải - CT HND xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa)
Họ tên:
Email:
Địa chỉ:Trả lời:
Ông mua nhãn Lồng Hưng Yên trồng bằng hạt mà theo quảng cáo (thông số) sau 3 năm sẽ ra hoa là rất khó. Thường nhãn trồng từ hạt ngay cả các giống có gốc gác từ quê hương Khánh Hòa cũng rất khó ra hoa trong vòng 3 năm. Thường là sau 5 đến 6 năm. Viện Cây ăn quả Miền Nam đóng tại Tiền giang cũng có trồng thử nhãn Lồng Hưng Yên, trồng từ cành chiết thế mà sau 3 năm cũng rất khó ra hoa nên phải xử lý ra hoa. Cách xử lý bằng khoanh vỏ như ông đã làm lần thứ nhất là chưa đúng cách. Khoanh vỏ là để cách ly nguồn dinh dưỡng từ trên chuyển xuống, kích thích cho cành có đủ điều kiện để ra hoa. Nếu lớp vỏ phần trên liền với phần dưới thì mục đích của ông đã không đạt được. Ông làm lại lần thứ 2 là đúng. Nhưng vì ông làm lại trên cành đã khoanh lần trước nên có thể gây tổn thương nặng cho cành nhãn. Vì vậy một số cành phải bị chết. Ông phải khoanh bỏ lớp vỏ có chiều rộng khoảng 5-6mm. Kinh nghiệm của Viện cây ăn quả Miền Nam là với cây nhãn lồng Hưng Yên đưa từ Miền Bắc vào trồng ở các tỉnh Miền Nam, nói chung rất khó ra hoa, nên cần phải xử lý ra hoa. Có nhiều cách, nhưng cách xử lý có hiệu quả là: a/ Khoanh vỏ, chỉ khoanh khoảng 1/3 số cành thôi, không khoanh tất cả các cành có trên cây. b/ Tưới hóa chất KClO3: pha 40g hoá chất này vào bình 8 lít nước rồi tưới vào gốc cây. Cứ bình 8 lít đủ tưới cho cây có đường kính 1m. Như vậy tuỳ cây nhãn to hay nhỏ mà dùng nhiều hay ít hoá chất. c/ Có thể phối hợp cả 2 biện pháp thì kết quả tốt hơn. Nhãn Hưng Yên thường ra hoa vào tháng 2, 3 dương lịch, thu hoạch vào tháng 6-7 dương lịch. Ở Miền Nam khí hậu có khác nên ra hoa tháng 4-5, bắt đầu vào mùa mưa. Nói chung nhãn ra hoa cần đủ độ ẩm, nếu thời tiết bị hạn phải tưới nước. Một vụ nhãn kể từ phát hoa đầu tiên mọc ra cho đến khi thu hoạch kết thúc thường mất 6-7 tháng. Sau khi thu hoạch nhãn, cần tỉa cành tạo tán, bón phân, chú ý bón đủ đạm và lân. Sau khi cây ra được 2 đợt đọt non, lá bắt đầu có màu xanh đậm là lúc ông cần tiến hành xử lý ra hoa được. Khi có mầm hoa xuất hiện cần chú ý bón ít đạm nhưng tăng lân và kali, tưới đủ nước. Hoa sẽ ra nhiều, tỷ lệ đậu quả cao, quả sẽ mập. d/ Nếu muốn bao trái để tránh côn trùng, sâu bọ thì khi trái đã đậu, ông có thể dùng bao nhựa trong, có thể châm một số lỗ rồi bọc kín lại, buộc chặt phần cuống, chăm sóc bình thường. Bọc hết các chùm nhãn trên cây là công việc rất công phu, tốn công nhưng bảo vệ được vườn nhãn an toàn. Ở Đồng bằng sông Cửu Long thường người ta chỉ bảo vệ dơi và chim phá bằng cách bọc vườn nhãn bằng lưới nilon. Rào vườn bằng lưới sắt thật kín, hàng rào cao hơn chiều cao cây nhãn. Khi nhãn đậu trái, người ta phủ kín vườn bằng lưới. Khi hái thì thu lưới lại, cất đi dùng cho vụ sau. Chúc ông trồng nhãn lồng Hưng Yên thành công.
-
1. Xin Công ty cho biết cách lựa cây đu đủ con để khi trồng không ra đu đủ đực? 2. Vào mùa đông cây đu đủ đã ra trái thường bị vàng lá, mất khả năng sinh trưởng, cách khắc phục và phòng ngừa? 3. Cây chuối lùn (già hương), chuối bom, chuối cau cũng bị tình trạng ổ bịp (xù đọt) rồi hư. Xin cho biết nguyên nhân và các phòng trị? (Lê Tấn Long - Mỹ Thạnh Đông, Hòa Phong, Tuy Hòa, Phú Yên)
Họ tên:
Email:
Địa chỉ:Trả lời:
1. Cách lựa cây đu đủ để trồng: Kinh nghiệm cây đu đủ đực và cái khác nhau ở phần gốc rễ. Cây đực, ở gốc cây gần như thẳng đuột. Còn ở cây cái, gốc cây phình ra và cong lại, cây cũng thường mập mạp hơn. Vì vậy khi nhổ cây con lên thấy cây nào gốc rễ thẳng, thuôn, gầy thì coi đó là đu đủ đực ta mạnh dạn loại bỏ, chỉ lấy cây nào gốc phình ra, cong lại và thân cây mập để trồng. Kinh nghiệm này đã được nhiều người cho là tốt. Cũng có khi chọn chưa kỹ nên có lẫn vài cây đu đủ đực, không sao. Làm sẽ có kinh nghiệm. 2. Cây đu đủ bị vàng lá, phần lớn là do bị bệnh. Bệnh thường gặp là bệnh vàng, xoắn lá do virus. (virus khảm hoa lá, vàng ngọn, xù ngọn, đốm vòng...). Có thể trên lá có chỗ vàng có chỗ còn xanh lốm đốm, mặt lá bị xoăn, có chỗ phồng lên. Trên quả có những vòng xanh ô liu. Có trường hợp bệnh do tuyến trùng rễ gây hại. Lá cũng bị vàng cây không lớn được. Nếu đúng là bệnh do virus thì rất khó trị. Tốt nhất là thường xuyên thăm vườn và phát hiện bệnh. Nếu trong vườn có một vài cây có triệu chứng bệnh thì nhổ đem đi xa để đốt hoặc đào hố cho vôi bột xuống để vùi. Vì nếu để cây bệnh lại mà trong vườn có bọ phấn trắng hoặc rệp, rầy mềm, nhện đỏ thì bệnh sẽ bị các tác nhân này làm cho lây lan rất nhanh. Ta đành phải phá vườn, làm vệ sinh thật kỹ mới trồng lại được. Ta không nên trồng đu đủ chung với các loại bầu bí. Nếu phát hiện thấy có bọ phấn trắng, bọ nhảy, rệp thì nên phun thuốc để trừ. Có thể dùng kelthane hoặc Trebon để trừ nhện đỏ. Dùng Mipcin 20ND, Trebon 10ND, Aplaud, Bam.50ND để trừ rệp, bọ nhảy, rầy mềm. Các nước tiên tiến như Malaysia, Nhật... khắc phục bệnh vàng lá do virus bằng cách sản xuất hạt đu đủ lai sạch bệnh để trồng. Sản xuất hạt lai phải cách ly, giống bán ra cho người trồng, thu hoạch xong là phá bỏ, làm đất trồng vụ khác nên không bị bệnh, năng suất rất cao. Ở ta đã có thử làm hạt lai, nhưng chưa có nhiều để bán rộng rãi trong sản xuất. Vì vậy ta có thể chọn các giống sạch bệnh sản xuất hạt giống để trồng. 3. Chuối cũng có nhiều loại bệnh. Nhưng triệu chứng bệnh mà bạn kể ở trên có thể do Virus hoặc tuyến trùng gây nên. Nếu là bệnh virus thì cây chuối thường có triệu chứng lùn, lá vàng, có những vạch màu xanh tối dài khoảng 4-5 cm trên sống lá, lá ngắn, không vươn khỏi ngọn thành cụm. Cây chuối nhỏ, không ra hoa được. Bệnh này thường hay lây, khó trị. Còn nếu là tuyến trùng thì thường làm cho bộ rễ bị thối, cây kém phát triển. Khi bị virus thì tốt nhất là phá bỏ, xử lý đất thật kỹ rồi trồng lại. Nếu phát hiện thấy có rệp trên chuối thì phải diệt ngay. Có thể dùng Methil parthion 50ND, Sumithion 50ND, BAM 50ND. Nhưng chọn giống sạch bệnh là có hiệu quả hơn hết. Nếu đề phòng tuyến trùng có thể dùng củ chuối gọt sạch rễ, xử lý bằng nước nóng 60-65oC trong 15 phút, có thể nhúng củ chuối vào bùn có trộn thuốc diệt tuyến trùng như Nemacur, aldicarb, để khô rồi trồng.
-
Tại sao trái mít có hiện tượng bị sần sùi, cách khắc phục? Muốn tăng phẩm chất mít, tôi phải làm gì? (Nguyễn Mão - Hội Nông dân xã Hồng Thái, Bắc Bình, Bình Thuận)
Họ tên:
Email:
Địa chỉ:Trả lời:
Trái mít là một loại trái phức, gồm nhiều trái đơn (mỗi múi mít là một trái đơn). Hiện tượng trái sần sùi là do hoa cái nở mà hoa đực không cùng nở, hoặc do điều kiện thụ phấn tự nhiên không thuận lợi làm cho hoa cái không được thụ phấn đầy đủ. Kết quả là một số hoa không được thụ phấn sẽ bị lép (bà con thường gọi là xơ đực), chỉ có một số hoa được thụ phấn và được phát triển lên tạo thành múi. Ngay chỗ có múi sẽ lồi lên, còn chỗ khác bị lép, làm cho trái mít trông có vẻ “sần sùi”. Hiểu được nguyên nhân nêu trên ta có thể khắc phục như sau: trồng nhiều cây trong vườn để cây có đủ lượng hoa đực (dái mít) thụ phấn cho hoa cái (quả mít). Nếu hoa đực ít có thể kiếm hoa đực đang ở giai đoạn tung phấn (phấn chín) đem về buộc gần trái mít hoặc dùng biện pháp thụ phấn nhân tạo. Chúng ta cũng nhận thấy các vườn cây có điều kiện thụ phấn tự nhiên thuận lợi (nhờ côn trùng, gió, mật độ cây phù hợp...) thì trái cây nói chung sẽ phát triển rất tốt. Để tăng phẩm chất cho mít, sau khi trái mít non đã hình thành, hái bỏ bớt các trái non có hình thù méo mó, không để số trái quá dày và nên bón phân NPK thật cân đối, đặc biệt tăng cường lượng kali đủ cho mít phát triển, chất lượng trái ngon. Các loại phân chuyên dùng cho cây ăn trái Đầu Trâu AT1, AT2, AT3 rất phù hợp để bón cho cây mít.
Thông tin nhà nông
Du học dang dở, 9x về quê làm nông nghiệp thu tiền tỷ
Một nông dân Lạng Sơn giàu có nhờ trồng thứ cây ra loại quả muốn ngon phải "ngâm đêm ngâm ngày"
'Gạo Việt Nam xanh phát thải thấp': Bước tiến mới cho ngành lúa gạo
Đồng bằng sông Cửu Long trong nỗ lực tăng lợi nhuận cho nông dân
Tìm giải pháp biến rơm rạ từ phế phẩm thành tài nguyên cho ĐBSCL
Đồng hành & Chia sẻ
- Chương trình “Đồng hành và Chia sẻ” kỳ 5 – Truyền hình Gia Lai
- Chương trình “Đồng hành và Chia sẻ” kỳ 4 – Truyền hình Gia Lai
- Chương trình “Đồng hành và Chia sẻ” kỳ 3 – Truyền hình Gia Lai
- Chương trình “Đồng hành và Chia sẻ” kỳ 2 – Truyền hình Gia Lai
- Chương trình “Đồng hành và Chia sẻ” kỳ 1 – Truyền hình Gia Lai