Phát triển nông nghiệp xanh từ vựa lúa Việt Nam
Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL – Ảnh minh họa
Một triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh
Sau những biến động từ đại dịch COVID-19, một trong những sự lo lắng mang tính toàn cầu đó là vấn đề an ninh lương thực. Các khu vực, quốc gia sản xuất lương thực, thực phẩm đã bước vào những thời khắc phải nhanh chóng thích ứng với nhu cầu của thị trường.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được biết đến là khu vực sản xuất và có những hoạt động thương mại nông sản sôi động nhất tại Việt Nam hiện nay. Đứng trước cơ hội chưa từng có về xuất khẩu nông sản, đặc biệt là sản phẩm lúa gạo, Việt Nam xác định bên cạnh phát triển thương mại ngành hàng lúa gạo, cơ hội này cũng là động lực mạnh mẽ để tái cơ cấu sản xuất ngành hằng này, hướng việc sản xuất lúa gạo đến phát triển bền vững, có bản sắc và giá trị cao.
Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” đang được Bộ NN&PNT lấy ý kiến để triển khai được xem là một sự thay đổi to lớn đối với ngành hàng lúa gạo tại vựa lúa lớn nhất cả nước.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết: “Đề án này hướng tới mục tiêu tổ chức lại sản xuất, hình thành các tổ chức nông dân, ưu tiên phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đề án cũng hướng tới tạo dựng hệ sinh thái ngành hàng có sự tham gia của Hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước hỗ trợ, đồng hành nâng cao năng lực cộng đồng”.
Đặc biệt, Đề án hướng tới mục tiêu kết hợp giữa sản lượng và nâng cao chất lượng. Yêu cầu chất lượng cần bảo đảm các tiêu chí chuẩn hoá: chuẩn hoá giống, chuẩn hoá quy trình canh tác, chuẩn hoá công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch, chuẩn hoá mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Đề án đặt ra mục tiêu tăng trưởng tích hợp đa giá trị, gắn với mô hình tăng trưởng xanh, nông nghiệp tuần hoàn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận, sản xuất, kinh doanh lúa gạo vùng ĐBSCL ít nhiều còn mang tính phân mảnh, trong khi xu hướng thế giới dần hướng tới nền nông nghiệp chuyên nghiệp. Như vậy, Đề án xác định mục tiêu chuyên nghiệp hoá ngành hàng lúa gạo là hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, nâng cao tri thức cho nông dân, nâng cao năng lực quản trị những tổ chức nông dân, hợp tác xã nông nghiệp đủ năng lực liên kết bền vững với doanh nghiệp.
Đề án quan tâm đến mục tiêu tiếp cận đồng bộ các cơ chế, chính sách như tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Nghị quyết 78/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhờ đó, công tác quản lý có thể đồng bộ, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, về định hướng thị trường, chính sách tín dụng, chính sách bảo hiểm…
Một trong những mục tiêu cụ thể của đề án là từ nay đến năm 2025, vùng ĐBSCL sẽ có 500.000 ha lúa chất lượng cao. Lợi nhuận bình quân của nông dân đạt trên 35%. Đến năm 2030, vùng sẽ đạt 1 triệu ha, lợi nhuận bình quân được nâng lên 40%.
Tạo nền móng cho nền nông nghiệp tuần hoàn
Quỹ Ellen Macarthur đã đưa ra con số tính toán việc chuyển đổi năng lượng, tiết kiệm sử dụng hiệu quả năng lượng chỉ đóng góp được 55% cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, còn lại 45% nằm ở các giải pháp kinh tế tuần hoàn.
Trồng trọt trong nền kinh tế tuần hoàn được hiểu là khai thác, tận dụng tất cả những giá trị mà cây trồng mang lại chứ không chỉ duy nhất thu nhập từ một nông sản chính.
PGS.TS. Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhìn nhận ưu thế của ngành lúa gạo Việt Nam là sở hữu hệ thống thủy lợi phát triển, được thể hiện qua tỉ lệ diện tích lúa có tưới lên đến 85%. Vùng sản xuất tập trung, đặc biệt là tại vùng ĐBSCL, cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó là sự đóng góp hiệu quả của khoa học công nghệ. Đặc biệt, bộ giống lúa chất lượng cao như Đài Thơm 8, OM18, ST25 và các kỹ thuật canh tác tiên tiến đã mang lại năng suất lúa vượt trội so với khu vực, đột phá về giá trị gạo xuất khẩu.
Thực hiện được đề án một triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh có thể coi là việc tạo ra nền móng lan tỏa cho nông nghiệp tuần hoàn, tạo dư địa giảm phát thải chung cho Việt Nam.
Vượt qua việc bị chia cắt không gian sản xuất bởi địa giới hành chính, Đề án mở ra mục tiêu liên kết ngành hàng lúa gạo trong vùng. Từ không gian liên kết cấp vùng, hình thành các cụm liên kết ngành lúa gạo, xây dựng các trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện, liên huyện, cấp vùng. Các trung tâm này có chức năng khuyến nông, hỗ trợ nông dân tiếp cận cơ giới hoá, hướng dẫn ứng dụng chuyển đổi số, quảng bá, kết nối thị trường, kiến thức kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn, kỹ năng giúp nâng cao năng suất lao động…
Biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết cực đoan, cùng với suy giảm tài nguyên nước chắc chắn sẽ làm chi phí sản xuất theo cách thức truyền thống tăng lên, tác động tới chi phí đầu vào, thu nhập thực sự của người nông dân khó được cải thiện. Nên nói cách khác, việc thực hiện đề án trên là việc “thuận thiên” để thay đổi dần thói quen sản xuất của người nông dân.
Chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp là điều vị tư lệnh ngành Nông nghiệp kỳ vọng rất lớn vào đề án này.
Ngày 24/11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã có cuộc gặp gỡ với các đại biểu quốc hội các tỉnh ĐBSCL để chia sẻ và mong muốn các đại biểu lan tỏa tinh thần của đề án đến với người dân ở địa phương này.
Xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL mang tính đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng đề án giúp bảo đảm phát triển ngày càng bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tăng, đóng góp vào tăng trưởng xanh và góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ tại hội nghị COP26, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
“Những sự thay đổi gieo từ đề án này sẽ giúp chúng ta gặt hái được nhiều giá trị. Tích hợp đa giá trị, nền nông nghiệp tuần hoàn bán được tín chỉ carbon, bán cả gói sản phẩm từ gạo chính là đích đến. Đây là Đề án của 13 tỉnh ĐBSCL chứ không chỉ là Đề án của Bộ NN&PTNT nên chúng ta cần chung tay giúp nông dân, truyền tải được những thông điệp để đề án đến được với bà con nông dân”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.
Đỗ Hương