Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả ở Hưng Long (Ninh Giang)
Người nông dân xã Hưng Long, huyện Ninh Giang (Hải Dương) đã nỗ lực phát triển một số mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.
Trồng sen lấy củ, lấy hạt được nông dân xã Hưng Long phát triển trong những năm gần đây
Trước đây, cùng với khó khăn về giao thông, xã Hưng Long còn có nhiều diện tích ruộng trũng kém hiệu quả, bị bỏ hoang. Xã có cụm công nghiệp Hồng Phúc - Hưng Long thu hút nhiều lao động nên số lao động trẻ làm nông nghiệp giảm mạnh. Để khắc phục khó khăn này, cấp ủy, chính quyền đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, cùng sự cố gắng, sáng tạo của nhiều nông dân, nên ở Hưng Long xuất hiện một số mô hình, cách làm nông nghiệp hiệu quả.
Ông Lê Đình Đoan ở thôn Văn Diệm là một trong những hộ đi đầu trong tích tụ ruộng đất của xã. Từ 5 sào ban đầu của gia đình, đến nay ông Đoan đang gieo cấy gần 20 mẫu ruộng với các giống lúa VNR20, TBR225… cho thu lãi khá cao. Ông Đoan cho biết: “Sản xuất manh mún hiệu quả thấp, không so được với đi làm công ty là nguyên nhân khiến người dân chán ruộng. Vì vậy tôi đã xin thuê lại ruộng, đầu tư máy móc, quyết tâm làm giàu từ cây lúa".
Áp dụng cơ giới hóa đồng bộ ở tất cả các khâu sản xuất lúa ở Hưng Long
Cũng từ cấy lúa nhiều năm không hiệu quả, bà Bùi Thị Tấm ở thôn Trại Hào mượn lại ruộng của bà con trong thôn để trồng gần 4 ha sen từ năm 2017. Không chỉ trồng sen đơn thuần, bà Tấm đã tìm tòi, học hỏi ở nhiều nơi, tham khảo nhiều giống sen lấy hạt, hoa, củ khác nhau để thử nghiệm trên mảnh đất quê hương. Bà Tấm cho biết: “Gia đình phải thuê thêm người có mặt ngoài ruộng để chăm sóc, thu hái bông, kịp gửi đi cho khách hàng ở xa. Lượng hoa tiêu thụ mạnh vào những dịp lễ, ngày rằm, mùng 1, mỗi ngày nhà tôi bán được vài trăm bông sen, giá trị tốt hơn cấy lúa”.
Những năm gần đây, trong 5 khâu sản xuất nông nghiệp ở xã Hưng Long thì 4 khâu đã cơ giới hóa, ứng dụng nhiều máy móc (gồm làm đất, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch). Xã Hưng Long là một trong những xã đi đầu trong huyện về công nghệ mạ khay - cấy máy. Máy móc giúp cơ giới hóa khâu còn lại là gieo trồng, từ đó hình thành các "cánh đồng không dấu chân". Xã có 100% diện tích cấy mạ trên sân, mạ trên nền đất cứng, cấy máy bằng mạ khay.
Hiện xã Hưng Long có 351 ha trồng các giống lúa: VNR20, TNR225, nếp... Trong xã có khoảng 10 hộ dân tích tụ ruộng đất từ 3 ha trở lên. Để chủ động tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái cơ cấu nông nghiệp, địa phương đã rà soát các diện tích ruộng đồng bỏ hoang, hiệu quả kinh tế kém để chuyển sang vùng chuyên canh lúa, rau màu tập trung.
Ông Phạm Hữu Tấn có hơn 2 mẫu ao nuôi cá rô đầu vuông
Trong xã Hưng Long hiện có 93,3 ha diện tích ao nuôi các loại cá: rô ta, rô phi với nhiều hộ nuôi tập trung quy mô lớn. Địa phương cùng nhân dân đầu tư hàng chục tỷ đồng đổ bê tông đường đi đến tận nơi giúp bà con thuận lợi trong sản xuất, vận chuyển tiêu thụ.
Ông Phạm Hữu Tấn ở thôn Văn Diệm là một trong những người đầu tiên của địa phương đưa cá rô đầu vuông vào nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ban đầu, do không có kinh nghiệm nên nhiều con cá bị chết. Với ý chí kiên định, tìm mọi cách khắc phục khó khăn, ông Tấn đã thành công trong việc nuôi cá rô đầu vuông thịt và giống. Với hơn 2 mẫu ao nuôi cá rô đầu vuông, mỗi năm ông nuôi 2 lứa, thu lãi gần 700 triệu đồng.
“Đây là loại cá dễ nuôi, nhanh lớn và có thể nuôi được với mật độ dày. Loại cá này cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với các loại cá truyền thống”, ông Tấn cho biết.
Thu hoạch dưa
Theo ông Phạm Đình Hừng, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Long, nông dân trong xã đã biết khai thác lợi thế, khắc phục khó khăn để sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Hiện thu nhập bình quân đầu người trong xã đã được nâng lên 68,9 triệu đồng/người/năm.
THÀNH ĐẠT