Xứ Tuyên mở rộng thêm 387ha sản xuất nông nghiệp tốt
Trong năm 2024, Tuyên Quang có 39 doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ gia đình đăng ký áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ...
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang, việc phát triển nông nghiệp tốt đang là xu hướng tất yếu, do đó ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang rất chú trọng. Trong năm 2024, Chi cục đã phối hợp với phòng NN-PTNT, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố hướng dẫn 39 doanh nghiệp, tổ hợp tác, HTX, hộ gia đình đăng ký áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn (VietGAP, hữu cơ...) với tổng diện tích 387ha. Trong số này, diện tích cam là 200ha, chè 330ha; bưởi 3,1ha, rau 6,1ha…
Năm 2024, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu mở rộng thêm 387ha nông nghiệp tốt. Ảnh: Đào Thanh.
HTX Cây ăn quả Quang Vinh (xã Thái Long, TP Tuyên Quang) được thành lập năm 2016. Sau 8 năm thành lập, đến nay HTX đã hình thành vùng bưởi sản xuất theo hướng hữu cơ với diện tích lên tới 30ha. Hiện trung bình mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường khoảng 90 tấn quả bưởi và hơn 1 nghìn cây bưởi giống.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc HTX Cây ăn quả Quang Vinh cho biết, năm 2016, với nguồn vốn 200 triệu đồng từ Đề án hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo Chương trình xây dựng Nông thôn mới, HTX đã xây dựng vườn ươm cây giống với diện tích 360m2; phân bổ cho 21 hộ gia đình là thành viên của HTX chăm sóc 11ha bưởi theo đúng quy trình kỹ thuật.
Đến năm 2018, diện tích bưởi của HTX đã lên tới 30ha. Để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm bưởi, HTX đã ký 2 hợp đồng tiêu thụ với các đại lý trong và ngoài tỉnh; định hướng cho thành viên tham gia HTX thực hiện trồng và chăm sóc cây bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học thay cho phân bón hóa học và thuốc BVTV nhằm đảm bảo sản phẩm bưởi đạt tiêu chuẩn VietGAP, đem lại niềm tin cho người tiêu dùng.
Toàn huyện Na Hang (Tuyên Quang) có hơn 1.400ha chè, trong đó diện tích chè đặc sản gần 1.360ha. Phần lớn diện tích chè của địa phương là chè cổ thụ, canh tác theo hướng thuận thiên nên việc mở rộng phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ để đạt tiêu chuẩn khá thuận lợi.
Hiện nay, sản phẩm chè shan tuyết Na Hang đã được cấp chỉ dẫn địa lý. Huyện có 4 sản phẩm chè đã được công nhận sản phẩm OCOP, gồm 2 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm đạt 3 sao, 1 sản phẩm đang lập hồ sơ công nhận đạt chuẩn 5 sao. Các sản phẩm đã được gắn tem truy xuất nguồn gốc.
Gia đình ông Đặng Quý Trình ở thôn Phia Chang (xã Sơn Phú, huyện Na Hang) có 2ha chè shan tuyết. Từ vườn chè này, mỗi năm ông Trình thu về khoảng 1 tấn chè búp tươi. Với giá từ 50.000 đến 60.000 đồng/kg, ông thu về 50 triệu đồng/năm.
Chè shan tuyết Na Hang là sản phẩm nông nghiệp tốt tiêu biểu của tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.
Ông Trình cho biết, vườn chè được trồng trên đồi nhiều năm nay gần như không có tác động của hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón hóa học. Do đó, cùng với hương vị thơm ngon đặc trưng của giống chè shan tuyết có tuổi đời từ 20 đến 40 năm tuổi thì khi sử dụng sản phẩm trà shan tuyết, khách hàng luôn yên tâm về chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Cũng vì lẽ đó, trà shan tuyết Sơn Phú ngày càng được thị trường đón nhận.
Mở rộng phát triển vùng nông nghiệp tốt, từ đầu năm đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tuyên Quang đã đôn đốc UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan rà soát, đăng ký danh mục dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ năm 2024; phối hợp với Hội Nông nghiệp hữu cơ Tuyên Quang tổ chức khai giảng lớp tập huấn và xây dựng mô hình sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS tại xã Thổ Bình (huyện Lâm Bình) và xã Sơn Phú (huyện Na Hang)…
Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết, việc mở rộng phát triển vùng nông nghiệp tốt là xu hướng tất yếu mà thị trường thế giới đang hướng tới.
|