Đưa nông sản của tỉnh vươn xa English Edition
Nông dân huyện Thủ Thừa thu hoạch lúa nếp vụ Đông Xuân 2022-2023
Chú trọng xây dựng thương hiệu
Huyện Thủ Thừa có diện tích sản xuất nông nghiệp trên 19.500ha, trong đó, diện tích lúa nếp (giống IR4625 và OM84) chiếm trên 97% diện tích sản xuất nông nghiệp. Nếp Thủ Thừa thơm ngon, dẻo, tiêu thụ nhiều trong nước và xuất khẩu. Thời gian qua, cây lúa nếp có nhiều vụ trúng mùa, trúng giá, tuy nhiên, cũng có những vụ trúng mùa nhưng giá thấp, nông dân có lợi nhuận không cao. Trước tình hình đó, huyện Thủ Thừa phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Nếp Thủ Thừa nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nếp.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa - Phan Văn Tới thông tin: “Huyện phối hợp các sở, ngành tỉnh xây dựng quy trình, triển khai dự án sản xuất sản phẩm sạch. Bên cạnh đó, huyện cũng kết nối với các DN xay xát lúa gạo trên địa bàn thực hiện tốt chỉ dẫn địa lý nhằm nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho nông dân”.
Đại diện Công ty (Cty) TNHH Dương Vũ (xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa) cho biết, Cty chuyên thu mua, xay xát và xuất khẩu gạo, chủ yếu là gạo nếp, giống IR4625. Việc xây dựng thành công nhãn hiệu Nếp Thủ Thừa giúp nâng cao uy tín và vị thế của nếp Thủ Thừa, giúp việc tiêu thụ thuận lợi hơn. Trung bình mỗi năm, Cty xuất khẩu khoảng 100.000 tấn gạo.
Bên cạnh gạo nếp Thủ Thừa, thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cũng có đầu ra ổn định, thậm chí trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hay giai đoạn thanh long vào vụ thu hoạch rộ.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện mạnh dạn áp dụng công nghệ mới vào việc chăm sóc cây thanh long. Theo đó, nông dân sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, phân bón sinh học, phun thuốc bảo vệ thực vật hợp lý hơn trong quản lý dịch bệnh, làm quen với việc ghi chép nhật ký sản xuất. Đặc biệt, công nghệ tưới nước tự động đã giúp nông dân tiết kiệm 80% công lao động, tiết kiệm điện năng và nước tưới. Theo thống kê, việc trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao mang lại lợi nhuận tăng bình quân khoảng 2,5-5 triệu đồng/ha cho nông dân.
Công nhân tại một kho thanh long trên địa bàn huyện Châu Thành đóng gói thanh long để xuất khẩu
Là một trong những hộ đầu tiên của huyện Châu Thành thực hiện mô hình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, anh Nguyễn Văn Trung (xã Hòa Phú, huyện Châu Thành) cho biết: “Cách làm này giúp thanh long ít bệnh hơn, năng suất cũng cao hơn nhiều so với cách làm truyền thống trước đây. Nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP mà thanh long có thể xuất khẩu với giá rất tốt sang Mỹ, châu Âu và các thị trường khó tính khác”.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh - Nguyễn Khắc Huy cho biết: “Hiện nay, nhu cầu về thanh long của các thị trường trên thế giới rất lớn. Tuy nhiên, chất lượng của trái thanh long trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đồng đều, nông dân áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP chưa nhiều. Do đó, các ngành chức năng cần có thêm nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ nông dân, nhất là về các quy trình kỹ thuật”.
Nắm bắt cơ hội, nâng cao giá trị sản phẩm
Thời gian qua, Việt Nam ký hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, trong đó, có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. Những hiệp định này mở ra cơ hội lớn để nông sản Việt Nam xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức, hiện toàn huyện có trên 1.880ha chanh ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường châu Âu, với sản lượng gần 15.000 tấn/năm thông qua Cty The Fruit Republic (Hà Lan).
Huyện Bến Lức có gần 15.000 tấn chanh xuất khẩu sang thị trường châu Âu hàng năm
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức - Lê Văn Nam chia sẻ: “Từ nhiều năm qua, các HTX và Cty sản xuất, thu mua chanh trên địa bàn huyện có sự phối hợp tốt với nhau. Nhiều Cty chủ động bố trí đội ngũ cán bộ kỹ thuật đến trực tiếp từng hộ dân để hướng dẫn quy trình sản xuất chanh. Qua đó, từng bước thay đổi nhận thức và thói quen sản xuất chanh của nông dân”.
Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bến Lức - Trần Duy Thuận cho biết: “Cty The Fruit Republic ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho HTX với diện tích 100ha để xuất khẩu sang các nước Tây Á và châu Âu. Theo đó, Cty cũng cung ứng trước vật tư nông nghiệp với giá thấp hơn thị trường 5% và thu mua chanh với 2 giá cố định là 15.000 đồng/kg vào mùa mưa và 20.000 đồng/kg vào mùa khô”.
Với các mặt hàng nông sản phong phú, đa dạng, chất lượng tốt, điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi,... thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp các địa phương quy hoạch và đẩy mạnh tiến độ xây dựng các vùng nguyên liệu nhằm phục vụ công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị nông sản. Bên cạnh đó, để tận dụng được cơ hội từ FTA, ngành Nông nghiệp phối hợp các ngành liên quan đưa ra nhiều giải pháp cụ thể và đang được các địa phương thực hiện.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền thông tin: “Ngành Nông nghiệp tỉnh đang nỗ lực kết nối các địa phương với các DN, HTX trong việc cải thiện, nâng cao chất lượng các loại nông sản chủ lực của tỉnh. Đồng thời, khuyến khích các DN, HTX và hộ dân đầu tư vào sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản với quy mô công nghiệp; xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đối với các sản phẩm lợi thế, tiềm năng để phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu”
Bùi Tùng
Nguồn:https://baomoi.com/dua-nong-san-cua-tinh-vuon-xa-english-edition/r/46554181.epi