Bệnh héo vàng lá chuối đe dọa Việt Nam
Chuyên gia Viện Nghiên cứu Rau quả kiểm tra một vườn chuối tiêu bị nhiễm bệnh héo vàng tại huyện Lâm Thao (Phú Thọ) hồi cuối năm 2019. Ảnh: FAVRI.
Đây là bệnh đã tàn phá nghiêm trọng sản xuất chuối trên thế giới. Vì vậy, việc nghiên cứu, sản xuất giống chuối kháng bệnh, đi đôi với đảm bảo nguồn giống sạch bệnh là giải pháp hiệu quả và cấp bách nhất cần sớm bắt tay triển khai nhằm đảm bảo cho mặt hàng cây ăn quả đang có rất nhiều dư địa phát triển này của nước ta.
Giải pháp tình thế: Luân canh chuối tây - chuôi tiêu
Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả (FAVRI, thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam): Việt Nam được xem là trung tâm nguồn gene cây chuối, với sự xuất hiện của đủ cả đại diện 8 nhóm giống chuối trồng ăn được.
Bên cạnh phục vụ nội tiêu, chuối còn có vị trí đặc biệt trong xuất khẩu và đã hình thành vùng hàng hóa tại các tỉnh ĐBSH, Trung du miền núi phía Bắc, các tỉnh Tây nguyên, Đông Nam bộ, ĐBSCL... Tuy vậy, sản xuất chuối ở nước ta đang gặp thách thức lớn với bệnh héo vàng (còn gọi là bệnh héo rũ Panama hay bệnh Panama).
Trước đây, các nghiên cứu tại các tỉnh trồng chuối trọng điểm ở phía Bắc như Hà Nội, Hưng Yên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế... cùng như nhiều tỉnh phía Nam đã xác định nấm gây bệnh vàng lá trên chuối ở nước ta thuộc chủng 1, phổ biến gây hại trên cây chuối tây trên cả nước, chưa phát hiện ra bệnh vàng lá trên chuối tiêu.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, mặc dù chưa có kết quả điều tra cụ thể nhưng qua khảo sát của Viện Nghiên cứu Rau quả, cho thấy bệnh héo vàng đang lan tràn ở nhiều vùng sản xuất chuối tiêu. Bệnh héo vàng trên chuối tiêu ở Việt Nam được xác định là do nấm Fusarium oxysporum f. sp. Cubense chủng 4 nhiệt đới (TR4). Thực trạng này cần nhiều giải pháp cấp bách để sản xuất chuối bền vững ở nước ta.
Vì vậy, trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu tuyển chọn giống và hoàn thiện quy trình kỹ thuật thâm canh một số cây ăn quả chủ lực tại phía Bắc giai đoạn 2017 - 2021 (trong đó có cây chuối), thời gian qua, Viện Nghiên cứu Rau quả đã triển khai xây dựng các mô hình thử nghiệm gói kỹ thuật thâm canh tổng hợp trên cây chuối tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó đặc biệt là hoạt động nghiên cứu biện pháp kỹ thuật phòng trừ bệnh héo vàng hại chuối (Fusarium Oxysporum), đặc biệt là việc gây hại trên chuối tiêu.
Theo đó, các nghiên cứu mới nhất của Viện Nghiên cứu Rau quả cho thấy: Nấm Foc chủng 1 chỉ hại trên chuối tây, do đó những nơi chỉ bị bệnh héo vàng trên chuối tây hoàn toàn có thể thay thể bằng chuối tiêu.
Trong khi đó, nấm Foc chủng 4 lại hại rất dữ dội trên cây chuối tiêu, nhưng biểu hiện mờ nhạt trên chuối tây. Do đó trên đất trồng chuối tiêu bị héo vàng nặng, chuối tây vẫn có thể đạt hiệu quả trong thời gian đầu.
Đây là cơ sở khoa học để giải thích hiện tượng chuyển đổi từ chuối tiêu bị héo vàng sang trồng chuối tây vẫn cho hiệu quả vài vụ ở một số địa phương. Đồng thời, cũng cho thấy việc quản lý bệnh héo vàng có thể áp dụng biện pháp luân canh giữa nhóm chuối tiêu và chuối tây.
Cụ thể, vùng nào bệnh héo vàng chỉ xuất hiện trên chuối tây thì có thể luân canh với chuối tiêu. Trong vụ đầu, chuối tây vẫn có thể đạt hiệu quả trên đất chuối tiêu bị bệnh héo vàng.
Các nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Rau quả thời gian qua cho thấy, các biện pháp xử lý đất, sử dụng chế phẩm sinh học và một số thuốc hóa học đều có khả năng hạn chế bệnh héo vàng.
Một số biện pháp xử lý có hiệu quả phòng bệnh héo vàng có hiệu quả cao như: Đốt trấu hun đất ở vị trí gốc chuối bị bệnh và xử lý ngập nước 3 tháng; xử lý dung dịch nấm Trichoderma và dung dịch tỏi nghiền có tác dụng hạn chế bệnh héo vàng, trong đó xử lý dung dịch Trichoderma cho hiệu quả cao hơn.
Bên cạnh đó, một số thuốc khác có khả năng hạn chế bệnh héo vàng gây hại trên chuối là Benzimidazole (Benomyl), Hosavil (Hexaconazole)...
Cần sớm nghiên cứu giống chuối kháng bệnh
Những năm gần đây, bệnh héo vàng do nấm Fusarium oxysporum ngày càng phát sinh và gây hại nặng nề tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ sản xuất chuối lớn như Australia, Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Đài Loan... và hiện đang có nguy cơ lây lan rộng ra nhiều quốc gia Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, may mắn là hiện nay bệnh chưa phát sinh trên diện rộng và chưa gây hại nặng, mà mới chỉ xảy ra rải rác. Mặc dù vậy gần đây tại phía Nam, bệnh cũng đã phát sinh gây hại cục bộ trên chuối tiêu già tại một số địa phương ở vùng Đông Nam bộ.
Cần sớm nghiên cứu giống chuối có khả năng kháng bệnh héo vàng lá, sạch bệnh để chủ động nguồn giống trong nước. Ảnh: TL.
Trao đổi với NNVN, PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng, nếu không có giải pháp để chủ động phòng chống căn bệnh nguy hiểm này, có thể ảnh hưởng, thiệt hại rất lớn tới sản xuất chuối tại nước ta.
Đặc biệt, đây là cây ăn quả mà Việt Nam có nhiều lợi thế, đang phát triển mạnh và thu hút nhiều doanh nghiệp chế biến cũng như xuất khẩu, mang về giá trị kinh tế cao...
Đến nay, việc sử dụng thuốc hóa học và biện pháp sinh học vẫn chưa mang lại tác dụng thực sự đối với bệnh héo vàng lá.
Vì vậy, giải pháp đưa vào sản xuất các giống chuối nuôi cấy mô sạch bệnh, đặc biệt là nghiên cứu các giống chuối có khả năng kháng bệnh héo vàng lá vẫn là hướng bền vững, hiệu quả nhất.
Với hệ thống các viện nghiên cứu có trình độ cao, cũng như phục vụ cho ngành sản xuất, xuất khẩu, chế biến chuối, hiện Đài Loan cũng đã nghiên cứu và đưa ra sản xuất thành công một số giống chuối có khả năng chống chịu (mức độ tương đối) với bệnh héo vàng lá.
Tuy nhiên, họ chỉ cung cấp cho Việt Nam những giống chuối có khả năng chống chịu kém hơn, những giống chống chịu tốt thuộc về bản quyền riêng của họ.
Hiện nay, như được biết thì ngay cả tập đoàn sản xuất và xuất khẩu chuối lớn như Dole vẫn đang phải phụ thuộc vào nguồn giống chuối chống chịu với bệnh héo vàng lá của Đài Loan. Chính vì vậy thời gian tới, Bộ NN-PTNT cần sớm giao nhiệm vụ cho các đơn vị khoa học trong việc nghiên cứu các giống chuối có khả năng kháng được bệnh héo vàng lá nhằm chủ động nguồn giống sạch bệnh, sản xuất mặt hàng chuối theo hướng hàng hóa lớn, gắn với chế biến, xuất khẩu một cách bền vững, giá trị gia tăng...
Trước mắt, để phòng ngừa nguy cơ lây lan bệnh héo vàng lá, chúng tôi khuyến cáo nông dân, các HTX, doanh nghiệp trồng chuối cần triệt để tuân thủ một số lưu ý: Một là phải sản xuất bằng nguồn giống đảm bảo sạch bệnh; hai là thực hiện nghiêm biện pháp phòng bệnh như thực hiện khử trùng đối với người khi ra vào trang trại chuối; hạn chế các hoạt động thăm vườn chuối...
Khi đã phát hiện vườn chuối bị nhiễm bệnh, phải có biện pháp rào vườn, không để người ra vào vườn chuối bị bệnh nhằm tránh nguy cơ lây lan bệnh đi nơi khác, sau đó tiến hành các biện pháp xử lí theo hướng dẫn của cơ quan bảo vệ thực vật, cơ quan khoa học có chức năng, uy tín.
(PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam)
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/