Khuyến nông cộng đồng giúp đưa phân bón Đầu Trâu đến với nông dân trồng cà phê Tây Nguyên được nhanh hơn
Sáng ngày 17/11/2023 tại thành phố Pleiku- tỉnh Gia Lai đã diễn ra hội thảo và tọa đàm “Khuyến nông cộng đồng trong phát triển vùng nguyên liệu cà phê Tây Nguyên” do Trung tâm khuyến nông Quốc gia tổ chức.
Đến dự hội thảo có các giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum, các Trạm khuyến nông huyện, các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, các giám đốc Hợp tác xã, các Tổ khuyến nông cộng đồng và các cán bộ công tác trong lĩnh vực nông nghiệp của địa phương.
Tại buổi hội thảo, vai trò của Tổ khuyến nông cộng đồng đã được các đại biểu đánh giá cao trong việc thúc đẩy sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu cà phê Tây Nguyên. Theo quy chế do Trung tâm khuyến nông tỉnh ban hành, Tổ khuyến nông cộng đồng có nhiệm vụ chuyển giao công nghệ, khuyến nông; hỗ trợ tư vấn phát triển hợp tác xã; hỗ trợ thị trường và liên kết chuỗi giá trị; đào tạo nông dân số và một số nhiệm vụ chính trị khác tại địa phương. Thực hiện tốt các nhiệm vụ này, khuyến nông cộng đồng thực sự là cánh tay nối dài cho các hoạt động khuyến nông đến với từng người dân.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia bày tỏ mong muốn sẽ xây dựng các Tổ khuyến nông cộng đồng để làm sao kết nối được giữa các nhà chuyển giao công nghệ, các doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ. Về phía công ty, Công ty cổ phần phân bón Bình Điền nhận thấy đây là chỉ đạo có tính chiến lược và trọng tâm trong việc thực hiện chuỗi giá trị của sản xuất và tiêu thụ mặt hàng nông sản đặc thù này. Đối với việc chuyển giao công nghệ và cung cấp các vật tư có chất lượng cao cho sản xuất cà phê, Công ty Bình Điền đang làm và sẽ làm tốt hơn thông qua các chương trình hợp tác với Trung tâm khuyến nông Quốc gia, các Viện nghiên cứu, trường đại học, cụ thể như đang thực hiện chương trình “ Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại 5 tỉnh Tây Nguyên” giai đoạn 2023-2026 và nhiều chương trình hợp tác, kết nối khác trong thời gian tới.
Tọa đàm: Tổ KNCĐ kết nối và xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững
Ông Lê Quốc Thanh, giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia phát biểu tại hội nghị
Tham gia tọa đàm, Công ty cổ phần phân bón Bình Điền (Công ty Bình Điền) đã chia sẻ: Tất cả các hoạt động phát triển thị trường phân bón của Công ty Bình Điền về thực chất là các hoạt động khuyến nông mang tính chất cộng đồng sâu rộng. Để công tác chuyển giao có hiệu quả, người cán bộ khuyến nông cần phải có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực mình phụ trách. Cụ thể, muốn sản xuất cà phê đạt năng suất cao, chất lượng tốt, kéo dài chu kỳ khai thác và bảo vệ vườn cây bền vững thì cán bộ khuyến nông phải hiểu rõ về đất trồng cà phê, phân bón và đặc tính cây cà phê trong mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ. Thông qua kỹ thuật canh tác để lựa chọn loại phân bón, điều chỉnh lượng bón, thời kỳ bón, kỹ thuật tưới nước, phòng trừ sâu bệnh một cách khoa học và tiết kiệm, làm gia tăng lợi nhuận cho nông dân. Những công việc nêu trên đã được các cán bộ, kỹ sư của Công ty Bình Điền thực hiện liên tục qua nhiều năm như những cán bộ khuyến nông thực thụ và đã trở thành hình ảnh gần gũi với nông dân cả nước. Hiệu quả của công tác dịch vụ kỹ thuật và hiệu quả thực tế của mô hình khuyến nông là minh chứng củng cố niềm tin để nông dân làm theo hướng dẫn của mình, từ đó các kỹ thuật mới, mô hình có hiệu quả cao sẽ được lan tỏa rộng hơn trong cộng đồng, những người sản xuất cà phê của các tỉnh Tây Nguyên.
Từ những quan điểm có tính chiến lược và xuyên suốt nêu trên, năm 2017-2022, Công ty Bình Điền đã thực hiện chương trình hợp tác chiến lược với Viện khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) về công tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp vùng Tây Nguyên. Theo đó, Công ty Bình Điền và WASI cùng đưa ra các mục tiêu nghiên cứu trước mắt và lâu dài cụ thể: (1) Các nghiên cứu giải quyết các vấn đề đang diễn ra hàng ngày trong sản xuất như bón phân mất cân đối, kỹ thuật canh tác chưa hợp lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng cách, lãng phí phân bón và tài nguyên nước… dẫn đến năng suất và chất lượng nông sản chưa cao, lợi nhuận sản xuất từ thuần nông thấp. (2) Các nghiên cứu mang tính chiến lược lâu dài như đánh giá sự mất cân bằng dinh dưỡng trong đất, quá trình suy thoái đất, bón phân làm giảm phát thải khí nhà kính… Tổng kết 5 năm thực hiện chương trình hợp tác cho thấy các kết quả nghiên cứu của hai bên đã được ứng dụng có hiệu quả cao vào sản xuất như sử dụng tỷ lệ và lượng bón phân NPK phù hợp cho cây sầu riêng, bơ và hồ tiêu; lượng bón phân hữu cơ sinh học, hữu cơ sinh học - vi lượng phù hợp cho cà phê, sầu riêng, hồ tiêu. Ngoài vấn đề kỹ thuật, Công ty Bình Điền và WASI đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm giới thiệu các kết quả nghiên cứu Khoa học và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất trên địa bàn 3 tỉnh Tây Nguyên với tổng số 974 nông dân và cán bộ khuyến nông. Cụ thể, tỉnh Đắk Lắk gồm Buôn Đôn, Krông Năng, Krông Pắk với 406 người, tỉnh Đắk Nông gồm Cư Jút, Đắk Mil, Krông Nô với 338 người và tỉnh Lâm Đồng gồm Bảo Lâm, Lâm Hà với 230 người. Các buổi tập huấn, tọa đàm đều có sự tham gia của Trung tâm khuyến nông và được cơ quan truyền thông chuyển tải kịp thời trên sóng truyền hình các thông tin cần thiết có tính chất khoa giáo về kỹ thuật canh tác cũng như các lưu ý cần thiết giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và lợi nhuận cho nông dân. Đây là một hình thức khuyến nông cộng đồng được đánh giá là có hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức cho người nông dân đến tận vùng sâu, vùng xa của các tỉnh Tây Nguyên.
Không dừng lại ở đó, Công ty Bình Điền đang tiếp tục cùng với WASI và Trung tâm khuyến nông Quốc gia triển khai một chương trình “Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” giai đoạn 2023 – 2026 tại 5 tỉnh Tây Nguyên là Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng với mục tiêu cụ thể là:(i) Tìm ra được những tồn tại, hạn chế và đề xuất gói kỹ thuật canh tác thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tỉnh vùng Tây Nguyên. (ii) Phát triển được bộ sản phẩm phân bón mới phù hợp cho sản xuất cà phê (trồng thuần và trồng xen), hiệu quả kinh tế cao, có tác dụng ổn định và cải thiện độ phì nhiêu của đất, hạn chế bệnh hại từ đất và giảm phát thải khí nhà kính được công nhận lưu hành. (iii) Xây dựng được mô hình áp dụng quy trình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm chi phí sản xuất, hạn chế một số sâu bệnh hại chính, tăng thu nhập cho người dân. (iv) Xây dựng được quy trình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu áp dụng cho vùng Tây Nguyên được cấp có thẩm quyền công nhận là Tiến bộ kỹ thuật. Để thực hiện tốt những mục tiêu cụ thể nêu trên , Công ty Bình Điền xác định rõ cần phải gắn các hoạt động của chương trình với hệ thống khuyến nông từ Khuyến nông trung ương đến Khuyến nông địa phương và các Tổ khuyến nông cộng đồng mới có thể thực hiện thành công các mục tiêu của chương trình.
Thông qua hội thảo, Công ty Bình Điền càng nhận thấy rõ hơn vai trò của khuyến nông cộng đồng là hết sức quan trọng trong việc phổ biến kiến thức mới, giới thiệu các vật tư đầu vào có hiệu quả cao đến từng người dân, nhất là nông dân ở vùng sâu vùng xa. Các hoạt động phát triển thị trường phân bón của Công ty Bình Điền gắn kết với hệ thống khuyến nông của cả nước đang là một kênh khuyến nông rất gần gũi và tin cậy để đưa phân bón Đầu Trâu đến với nông dân trồng cà phê được nhanh và sử dụng có hiệu quả hơn.
TS. Phạm Anh Cường