Giải bóng chuyền nữ quốc tế cúp VTV Bình Điền: Mong muốn có nhiều giải đấu nữa
Xung quanh nhà thi đấu đa năng ở thành phố Vị Thanh không còn những vỉa hè dài, đầy ắp xe gắn máy vào mỗi buổi chiều; những tốp khán giả ngồi chật khoảng sân rộng trước cửa để coi tivi màn hình lớn, bởi không mua được vé vào coi trực tiếp trong nhà thi đấu…
Đêm ga la mừng thành công của giải đấu. |
Trả lời câu hỏi đăng cai giải đấu Hậu Giang được gì trong 10 ngày qua và hứa hẹn mở ra được gì cho thể thao tỉnh nhà thời gian tới? Ông Trần Thành Lập, phó chủ tich UBND tỉnh, kiêm Trưởng ban tổ chức giải hồ hởi nói: “Được, chúng tôi được nhiều lắm. Là một tỉnh vùng sâu, vùng xa của đồng bằng, bà con nông dân luôn rất khát khao được thưởng thức các hoạt động văn hóa, thể thao. Giải đấu đã đáp ứng được cái này cho bà con. Đây cũng là một dịp tốt để lãnh đạo, chính quyền, ngành thể thao Hậu Giang tiếp cận, tập dượt việc tổ chức một giải thi đấu thể thao đỉnh cao. Nhận đăng cai giải đấu này quả là một bước “dũng cảm” của lãnh đạo, chính quyền tỉnh. Anh biết đấy, chúng tôi đã phải tập trung rất lớn, trong 6 tháng trời để hoàn thành nhà thi đấu, chỉ trước lễ khai mạc có vài ngày. Chúng tôi phải tổ chức rất chặt, rất kỹ công tác phục vụ, hậu cần, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn thực phẩm và an toàn giao thông. Lượng khách trong nước và quốc tế khổng lồ đổ về dự giải là áp lực rất lớn đối với một thành phố trẻ, một tỉnh nghèo mới thành lập như Hậu Giang, vậy mà cả mười ngày của giải, đã không có một vụ việc mất an toàn nào xảy ra, thiệt mừng hết sức…”
Chủ tịch Hội đồng quảng trị Công ty cổ phần phân bón Bình Điền trao cúp cho đội vô địch Giang Tô. Ảnh: Xuân Gụ |
Cái được lớn nhất vẫn là thuộc về khán giả- những người hôm mộ bóng chuyền ở vùng đất miệt vườn xa xôi này. Ông Phan Văn Khế, ở huyện Vị Đông, nói: “Tui ham môn nầy từ hồi trẻ. Tụi tui thường tụ tập chơi bóng chuyền với nhau trên đám ruộng vừa gặt, còn trơ gốc rạ cứng. Vậy mà say sưa mỗi chiều. Có bữa tới tận tối mịt, không nhìn ra đường bóng bay nữa, mới chịu về. Nhưng, được coi trực tiếp một giải đấu quốc tế thế này thì trong mơ tôi cũng chẳng có. Tui không nghĩ Hậu Giang mình lại có được cái cơ ngơi thi đấu hoành tráng và hiện đại như vầy.”
Ông Trần Văn Tiên, ở huyện Bình Thủy, cách nhà thi đấu 7 cây số, biết hôm nay diễn ra 3 trận, trong đó có trận chung kết, ông ăn cơm chiều lúc 2 giờ rồi đạp xe tới coi luôn cả 3 trận, xong mới về, chịu đói “để giữ chỗ ngồi tốt”.
Khán giả, người hâm mộ bóng chuyền Hậu Giang như ông Khá, ông Tiên không ít. Có người đưa cả nhà đi coi, mang theo cơm nắm, cá kèo kho, trái cây, để ăn trưa, ăn tối, coi cho hết, mới về. Bằng chứng là nhà thi đấu trận nào cũng chật cứng khán giả. Đêm chung kết, bế mạc, lượng khán giả được vào sân vượt gấp đôi sức chứa của khán đài. Ở các địa phương khác, nhất là quanh các đô thị đông đúc, các trận đấu bóng chuyền đỉnh cao mà khán giả lấp đầy được số ghế trên khán đài, đã là nỗi mừng khôn xiết của ban tổ chức. Chị Nguyễn Thị Thủy Hằng, ở đường Nguyễn Công Trứ, Phường 1, TP. Vị Thanh tâm sự: “Niềm hạnh phúc được ngồi bên nhau thành hàng dài, chật kín trên khán đài của nhà thi đấu đã nối những người nông dân chân chất lại với nhau. Không ai nói ra nhưng trong lòng họ đều có chung suy nghĩ “xem thế này thật sướng”.
Thành công, thắng lợi của bóng chuyền nữ Việt Nam, của các nhà tổ chức, nhà tài trợ chính- Công ty CPPB Bình Điền, rõ rồi; nhưng trước hết và nhiều nhất vẫn thuộc về Hậu Giang. “Chúng tôi mong muốn có nhiều những giải đấu như thế này, để gây men, khơi gợi và hâm nóng lòng ham mê thể thao cho bà con nông dân miệt vườn. Có được nó, sẽ có cái gốc, cái rễ cho phong trào TDTT, rèn luyện sức khỏe nói chung và cho thể thao đỉnh cao của tỉnh nhà nói riêng”. Nỗi lòng này của ông Đinh Văn Chung-Chủ tịch HĐND, cũng là mong muốn chung của lãnh đạo, chính quyền và nhân dân Hậu Giang, mong Cúp VTV Bình Điền sẽ còn ngày trở lại.
Xuân Gụ - Trần Đình Thế