Hỏi đáp về phân bón

Đặt câu hỏi

Ấn vào câu hỏi để xem câu trả lời

  • Cho tôi biết quy trình bón phân hàng năm trên 1 ha cà phê (3 năm tuổi trở lên) đối với phân bón Bình Điền

    Họ tên: Nguyễn Viết Xuân - Thôn 2, xã Damri
    Email:
    Địa chỉ:
    Trả lời:

    - Năm thứ 3 được xem là năm cuối trong giai đoạn kiết thiết cơ bản: bón thúc NPK 20-20-15 chia làm 3-4 lần/năm (nên dùng NPK 20-20-15 TE Đầu Trâu sẽ có đầy đủ thành phần trung, vi lượng cần thiết cho cây cà phê). - Năm thứ 4 trở đi cây cà phê trong giai đoạn kinh doanh: có thể chọn 1 trong 3 cách bón sau: a) Mùa mưa bón NPK 18-8-15+TE, mùa khô bón Compomix SH-CP và Đầu Trâu 2001 (hoặc Đầu Trâu 2002). b) Mùa mưa bón 16-8-16-4S, mùa khô bón như trên. c) Mùa mưa bón Đầu Trâu 245, mùa khô bón như trên. Liều lượng cụ thể xem trên bao bì (hoặc tham khảo mục sản phẩm trên webiste Bình Điền).

  • Tôi đang dùng các loại phân Đầu Trâu để bón cho vườn xa ri. Xin hỏi bón phân trực tiếp bằng cách rải quanh gốc hoặc là pha nước tưới, cách nào tốt nhất?

    Họ tên: Huỳnh Thị Sương - An Thới, Giồng Riềng, Kiên Giang
    Email:
    Địa chỉ:
    Trả lời:

    Giữa 2 cách bón gốc và bón qua lá khó có thể nói cách nào hơn cách nào vì mỗi cách đều có ưu / nhược điểm riêng: ưu của cách này là nhược của cách kia và ngược lại. Chưa kể đến đặc tính của từng loại cây khác nhau cũng có cách bón phân thích hợp khác nhau: - Bón trực tiếp bằng cách rải quanh gốc: hiệu quả chậm hơn, nhưng lâu bền hơn khi phân tan ra từ từ và cung cấp dinh dưỡng cho cây trong một thời gian dài. Bón trực tiếp phù hợp với hầu hết loại cây, đặc biệt những loại cây có thời gian sinh trưởng dài. - Bón qua lá (hòa vào nước tưới): hiệu quả nhanh hơn, nhưng phải cung cấp phân thường xuyên vì chất dinh dưỡng không thể "nằm" mãi trên lá để cung cấp dần cho được. Chỉ cần 1 cơn mưa nhỏ là chất dinh dưỡng sẽ bị cuốn trôi hết. Chưa kể phun vào lúc trời nắng thì sẽ rất có hại cho cây. Bón qua lá được nhiều bà con dùng trong trường hợp trồng rau, hoa kiểng... Về mặt tính chất, 2 loại phân này cũng có đặc tính hoàn toàn khác nhau: Phân bón lá cần tan nhanh (để thấm nhanh vào cây), thường là có hàm lượng dinh dưỡng cao nên giá tiền mắc; Phân bón gốc cần tan từ từ và thường có hàm lượng dinh dưỡng thấp hơn nên giá tiền rẻ hơn. Như vậy, đặc tính của 2 loại phân bón lá và bón gốc khác nhau hoàn toàn, được sản xuất theo những quy trình công nghệ khác nhau, do đó việc dùng loại phân được sản xuất theo cách này để bón theo cách khác là không có hiệu quả kinh tế (mặc dù vẫn có thể làm như vậy và cây vẫn phát triển được). Để bón cho cây ăn trái, về cơ bản thì nên cung cấp dinh dưỡng bằng phân chuyên dùng Đầu Trâu AT1, AT2, AT3 (bón gốc) hoặc dùng phân Đầu Trâu 13-13-13TE cũng được. Ngoài ra, nên phun thêm phân bón lá Đầu Trâu (như 001, 005, 007, 009...) để có chất lượng cao hơn.

  • Làm thế nào để phân biệt 1 bao phân giả với phân thiệt khi đi mua phân?

    Họ tên: Nguyễn Hoàng Long - Thôn 2, xã Lộc Bảo, Lâm Đồng
    Email:
    Địa chỉ:
    Trả lời:

    Dựa vào các yếu tố sau: - Kỹ thuật in ấn: bao bì thật in từ nhà máy in nên có chất lượng sắc sảo, màu sắc tươi đẹp hơn bao bì giả được in từ cơ sở nhỏ. - Đường chỉ: có đường may 2 chỉ, bao giả thường may bằng 1 chỉ. Trường hợp kẻ xấu mua gom bao bì thật, cho phân giả vào may lại thì sẽ có dấu vết may lại. - Địa chỉ, nhãn hiệu rõ ràng: trên bao phân Đầu Trâu thật luôn có logo Đầu Trâu và địa chỉ Tân Kiên, Bình Chánh, TPHCM (đối với nhà máy sản xuất tại TPHCM), hoặc địa chỉ Đức Trong, Lâm Đồng (đối với nhà máy sản xuất tại Lâm Đồng), sắp tới là nhà máy sản xuất tại Bến Lức, Long An. - Bên trong bao phân có phiếu kiểm tra sản phẩm KCS. - Nếu quen dùng phân Đầu Trâu, bạn còn có thể phân biệt được thông qua màu sắc hạt phân, độ bóng, cứng...

  • Con thường nghe nói 1 muỗng cà phê pha với 4 lít nước,vậy nồng độ phân trong hỗn hợp này là bao nhiêu? Con cũng nghe nói nhiều về hồng dại nhưng hỏi mua ở nơi đâu?

    Họ tên: The Hung
    Email:
    Địa chỉ:
    Trả lời:

    Chắc con còn là học sinh, vậy thì bài toán này rất đơn giản. Con hãy xem trên bao bì từng hàm lượng dinh dưỡng: ví dụ đạm (N) là 30%, như vậy nếu pha 10 gam phân vào 4 lít nước (tương đương 4000 gam) thì nồng độ đạm sẽ bị giảm hơn 400 lần phải không con. Tương tự con tính ra các hàm lượng dinh dưỡng khác như lân, kali, vi lượng... Tuy nhiên, con không cần phải quan tâm đến các con số này làm gì vì các kỹ sư và các nhà khoa học đã tính toán kỹ rồi. Con chỉ việc làm đúng theo hướng dẫn. Đặc biệt lưu ý đừng có pha nhiều phân (vì tưởng chất dinh dưỡng "đậm đặc" sẽ tốt hơn). Vì loại phân dùng phun xịt sẽ thấm trực tiếp dinh dưỡng vào lá cây nên có tác dụng rất nhanh, pha hơi loãng đi sẽ không sao, chứ pha đậm lên là cây dễ bị cháy lá lắm đấy. Ông bà vẫn dặn "tham thì thâm" là đúng vậy đó con. Công ty Phân bón Bình Điền của các cô chú chỉ sản xuất phân bón thôi, không sản xuất các loại cây giống và hoa. Tuy nhiên, các cô chú cũng chỉ cho con liên lạc với các cơ quan sau có thể sẽ phù hợp hơn: - Công ty Giống, cây trồng Miền Nam: 282 Lê Văn Sỹ, TB, TPHCM - Công ty Giống, cây trồng TPHCM: 97 Nghĩa Thục, Q5, TPHCM - Công ty Hạt giống hoa Việt Nam: 157 bis Trần Quốc Thảo, Q3, TPHCM - Hội hoa lan cây cảnh Thành phố: 466/57B Huỳnh Văn Bánh, PN, TPHCM Chúc con sẽ được như ý.

  • Trước tình hình giá nguyên liệu tăng nhanh, Công ty Phân bón Bình Điền đã có giải pháp nào để vừa đảm bảo số lượng vừa đảm bảo chất lượng, không ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp?...

    Họ tên: Trương Thị Khiêm - Nghĩa Phương, Lục Nam, Bắc Giang
    Email:
    Địa chỉ:
    Trả lời:

    Rất cảm ơn câu hỏi mang tính thời sự nóng của bà. Quả thật, tình hình nguyên liệu phân bón tăng giá (chủ yếu do giá nhập khẩu tăng) đã không chỉ làm bà con nông dân lao đao mà còn làm các doanh nghiệp sản xuất phân bón gặp rất nhiều khó khăn. Đứng trước tình hình đó, Công ty Phân bón Bình Điền đã đưa ra các giải pháp sau:
    - Tìm kiếm và ký kết hợp đồng cung cấp nguyên liệu dài hạn từ các nhà sản xuất lớn của thế giới. Từ các hợp đồng này, giá nguyên liệu do Bình Điền nhập khẩu tương đối ổn định trong tình hình giá phân bón thế giới biến động. Bà có thể thấy các thông tin này trên Bản tin Bình Điền số vừa ra (xin vui lòng gửi lại địa chỉ cụ thể, chúng tôi sẽ gửi tặng Bản tin theo đường bưu điện).
    - Cải tiến công nghệ sản xuất, tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất. Vì không chỉ giá phân bón tăng mà giá điện, dầu đốt cũng tăng (các doanh nghiệp sản xuất phân bón tiêu thụ khá nhiều các dạng năng lượng này).
    - Tung ra các sản phẩm mới có hiệu quả cao (có thể thấy trên Bản tin Bình Điền mới phát hành). Ngay cả những sản phẩm đã có tiếng tăm trên thị trường, Công ty cũng cải tiến lại như NPK 20-20-15. Khi năng suất và chất lượng nông sản tăng thì lợi nhuận cũng tăng, bù đắp được thiệt hại do giá phân tăng cho bà con nông dân.
    - Về phía Công ty, cố gắng tìm kiếm thêm nguôn thu từ các hướng kinh doanh khác, như phân bón xuất khẩu, phân bón cho hoa kiểng... để khắc phục bớt những thiệt hại do giá phân biến động, đảm bảo hoàn thành kế hoạch do nhà nước giao. Vừa qua, có một số thông tin liên quan đến việc kiểm tra phân bón không đạt chất lượng ở Tây Ninh, trong đó có những "đại gia" sản xuất phân bón có kết quả kiểm nghiệm không đạt yêu cầu, Tổng chi hội Phân bón Miền Nam (tổ chức mà các nhà SX phân bón lớn ở phía Nam là thành viên) cũng đã có công văn gửi các cơ quan chức năng với nội dung: đề nghị thống nhất nguyên tắc lấy mẫu và nguyên tắc phân tích mẫu để mọi kết quả kiểm định đều có kết quả như nhau (hiện nay, qua báo chí bà con biết kết quả kiểm định của cùng 1 mẫu thường có sai biệt giữa các cơ quan). Ngay cả một số sản phẩm liên doanh (sản xuất theo công nghệ một hạt vốn rất ổn định về chất lượng) cũng nằm trong danh sách không đạt trong đợt kiểm tra vừa rồi. Ngoài ra, khi lấy mẫu kiểm định phân bón NPK cũng cần phải quan tâm đến đặc tính của phân bón sản xuất theo công nghệ trộn là tỷ trọng và kích thước các hạt phân khác nhau, nên kể cả quá trình vận chuyển, bốc xếp cũng làm các hạt phân bị xáo trộn. Hiệp hội Phân bón đang tích cực theo sát vụ việc vừa nêu để bảo đảm quyền lợi của bà con nông dân, cũng như quyền lợi của các doanh nghiệp thành viên.

  • Tôi có 6 ha đất ở BRVT trồng đu đủ được gần 1 năm tuổi, nhưng xuất hiện rất nhiều sùng đất. Nó có làm ảnh hưởng đến cây trồng không? Tôi dùng phân bò để bón có phải đây là nguyên nhân cho sùng phát triển không?

    Họ tên: Nguyen Phuong - 230 ĐBP, Q3, TPHCM
    Email:
    Địa chỉ:
    Trả lời:

    Có mấy loại sùng đất khác nhau, chúng đều thuộc bộ Cánh cứng (con trưởng thành có bộ cánh cứng như bọ hung). Sâu non lớn lên trong đất và hoạt động gây hại hay không cũng ở thời kỳ này. Các loại sùng đất phá hại ở cây lấy củ như khoai lang, khoai tây, khoai mỡ là loại có hại. Đối với cây đu đủ thì sùng chỉ hoạt động quanh bộ rễ và không có ảnh hưởng gì, ngược lại có tác dụng làm đất tơi xốp. Bón phân chuồng (bò, trâu...) đúng là sẽ giúp sùng hoạt động mạnh vì trong phân có nhiều chất sùng dùng làm thức ăn. Sùng hoạt động mạnh thì đất càng tơi xốp. Có lúc bộ rễ cây bị hại vì một nguyên nhân nào đó, nhưng tình cờ ta thấy sùng đất nên nghĩ rằng do sùng mà ra. Thực chất sùng chỉ ăn các chất đã hư, mục từ trước mà thôi.

  • Xin cho biết biểu hiện thiếu đạm đối với cây tiêu?

    Họ tên: Võ Đình Ái Ngân
    Email: aingan144@yahoo.com
    Địa chỉ:
    Trả lời:

    Nếu quan sát cây hồ tiêu không thấy hiện tượng phá hại của sâu hoặc bệnh, thiếu hay thừa nước hay ảnh hưởng của chất gây ô nhiễm… thì biểu hiện thiếu đạm trên cây tiêu có một số đặc trưng sau: Biểu hiện rõ nhất là hiện tượng bộ lá có màu xanh vàng đến vàng nhạt, lá nhỏ mỏng, lá già rụng nhiều và rụng sớm, lá non nhỏ và lóng thân ngắn lại, khả năng phân cành kém. Cây tiêu bị thiếu đạm sẽ có số hoa ít, số trái/chuồi ít, trái nhỏ, năng suất thấp.

  • tôi có khoảng 100 cây mai kiểng. mỗi buổi sáng khoảng 5 giờ tưới 1 lần, chiều khoảng 5 giờ tưới 1 lần và khoảng 20 ngày tôi bón khoảng 20g phân bón NPK 20-20-15TE hiệu Đầu Trâu của Công ty Phân bón Bình Điền xung quanh gốc và cùng thời gian trên tôi xen kẽ xịt thuốc tăng trưởng Đầu Trâu 501; loại thuốc tăng trưởng cho hoa phong lan. Tính đến nay tôi xịt thuốc và bón phân được 6 lần, nhưng khoảng mấy ngày nay mai ra chồi non thì bị hiện tượng cháy lá và cuốn lại một số có hiện tượng không phát triển (lá già vẫn xanh đậm). Xin cho cây bị hiện tượng gì, có phải là sử dụng phân bón quá liều hay không?

    Họ tên: Nguyen Anh Tuan - 176/28 Trương Công Định, Phường 3, TP
    Email:
    Địa chỉ:
    Trả lời:

    Theo như ông mô tả như trên, thì hiện tượng chồi non cây mai bị cháy lá không phải do bón quá liều phân bón mà có thể bị do một số bệnh gây nên. Vì khi cây bị bón quá liều phân bón sẽ có hiện tượng rụng lá hàng loạt, chứ không chỉ bị một số chồi non như ông miêu tả. Khả năng cây bị sâu rầy phá hại là rất lớn. Ông quan sát trên lá nếu thấy có nhiều rầy nhỏ màu xanh có thể là rầy mềm hoặc rầy màu trắng thì đó là rệp sáp. Chúng bám trên ngọn, lá cây hút nhựa của lá non làm cho lá bị cuộn lại, chậm phát triển. Để phòng chống các loại sâu rầy này có thể sử dụng thuốc Supracid (liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì). Khả năng thứ 2 cây có thể bị bệnh hại rễ như tuyến trùng hoặc nấm làm cho cây chậm phát triển. Để nhận biết các bệnh này tương đối khó, đó là kiểm tra rễ của cây, nếu rễ non có hiện tượng bị sưng thì có thể là do tuyến trùng gây hại, rễ cây bị đứt có màu đen và thối có thể cây đã bị nấm. Hiện nay trên thị trường có bán rất nhiều thuốc đặc trị cho các bệnh này, ông có thể mua và sử dụng theo hướng dẫn trên bao bì.

Đặt Câu Hỏi
Họ tên
Email
Địa chỉ
Chuyên mục
Câu hỏi
 
Lưu ý: Để nội dung câu hỏi được rõ ràng, Quý khách vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
Website mặc định hỗ trợ font chữ Unicode.

Top

TẢI ỨNG DỤNG CANH TÁC THÔNG MINH TẠI ĐÂY

Hotline 1900 6613 Chat với chúng tôi qua Messenger Chat với chúng tôi qua Zalo Fanpage Bình Điền BFC Kênh Youtube Bình Điền BFC