Xây dựng và bảo vệ thương hiệu nông sản: Nhà nước phải làm "nhạc trưởng"
(Báo Nông nghiệp Việt Nam số 165 ngày 19-8-2005) Vấn đề xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho hàng nông sản chủ lực của ĐBSCL một lần nữa được đưa ra để các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý… mổ xẻ. Lâu nay chúng ta cứ hô hào xây dựng thương hiệu, liên kết 4 nhà rồi 6 nhà nhưng đến nay vẫn nằm trong vòng luẩn quẩn vì chưa có “nhạc trưởng”. Theo Thứ trưởng Bộ NN – PTNT Diệp Kỉnh Tần, nông nghiệp ĐBSCL đóng góp trên ½ sản lượng lương thực quốc gia, đưa Việt Nam thành nước xuất khẩu gạo thứ 2 trên thế giới. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản toàn vùng hằng năm đạt 1,5 tỷ USD chiếm 30 – 40% tổng KNXKNS cả nước (gạo chiếm 90% tổng lượng gạo XK, trái cây chiếm 80%, thủy sản chiếm 60%…). Tuy nhiên, hiện nay 90% sản phẩm nông sản ĐBSCL chưa có thương hiệu, số còn lại nếu có thì chưa phải thương hiệu mạnh, tương xứng với thế mạnh SX. Ngoài ra, công nghiệp thu hoạch bảo quản chế biến chưa theo kịp tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp của khu vực, thiếu hệ thống đồng bộ từ khâu sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Đồng thời, công nghệ, thiết bị chế biến còn lạc hậu, quy mô nhỏ nên lợi nhuận thấp… Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu – Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam phân tích, trái cây ở ĐBSCL rất ngon, đã có nhiều thương hiệu như: Sầu riêng Chín Hóa, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, nhãn tiêu Huế, nhãn xuồng cơm vàng, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn… Về chất lượng trái cây VN không thua kém bất kỳ loại trái cây ngoại nào. Sự luẩn quẩn hiện nay của trái cây theo TS Châu là ở chỗ chưa thực sự có “nhạc trưởng” trong chiến lược cạnh tranh. TS Trần Du Lịch – Viện trưởng Viện Kinh tế Tp.HCM bộc bạch, lâu nay từ sản xuất đến lưu thông thị trường chúng ta thường nói phải liên kết 4 nhà, 6 nhà chẳng qua là nói tới trách nhiệm chung chung của toàn xã hội, mà chưa tập hợp “các nhà” lại và giao trách nhiệm cụ thể cho từng nhà. Nếu để cho nhà sản xuất, nhà kinh doanh tự “bơi” thì sản phẩm nông sản không thể cạnh tranh được. Vì vậy, cần phải có một “nhạc trưởng” cụ thể đứng ra điều hành công việc này. Quan trọng hơn, về phía Chính phủ cần giải quyết nhanh các hiệp định, bảo vệ thuế quan cho doanh nghiệp khi tham gia thị trường lớn thế giới. TS Võ Mai – Chủ tịch Hiệp hội Trái cây VN cũng băn khoăn: Ai sẽ trực tiếp điều hành mối liên kết trong bối cảnh chúng ta có quá nhiều “nhà” như hiện nay? Cũng như trong một gia đình thì 2 vợ chồng phải có một người chỉ huy chứ? Trong 4 “nhà” mà ai cũng như ai thì chắc chắn sẽ chẳng làm được gì cả. Do vậy, tôi xin bầu ông Nhà nước làm nhạc trưởng. Bà Mai đưa ra một chứng minh cụ thể: Dự án xây dựng mô hình trái cây GAP cho các tỉnh sông Tiền không biết phải “gõ đầu ai” bây giờ, rồi các đề tài nghiên cứu khoa học tốn kém hàng trăm triệu như chế biến thanh long, nhãn… hết sức vô bổ cũng vì không có nhạc trưởng chỉ huy. TS Nguyễn Minh Châu đồng tình quan điểm này nhận định: Sự hỗ trợ từ phía Chính phủ là tối cần thiết trong bối cảnh Thái Lan đã có hiệp định thương mại với Trung Quốc cũng như nhiều nước khác, nên họ không phải chịu mức thuế từ 10 – 15% như chúng ta hiện nay. Đặc biệt, từ ngày 5/7/2005, Trung Quốc đã bắt buộc trái cây vô phải đóng thùng đàng hoàng, có nhãn mác, trong khi người sản xuất của chúng ta gần như … mù tịt!