Vẫn còn nghịch lý trong sản xuất trái cây
(Nông nghiệp Việt Nam - 29/4/2005) Hiện trái cây Việt Nam đang là một trong những mặt hàng nông sản kém sức cạnh tranh nhất. Trong đó, có những nghịch lý mà cho đến bây giờ vẫn chưa khắc phục được… Bức xúc trước việc trái cây Việt Nam đang rất khó cạnh tranh với trái cây nước khác trong khu vực TS. Võ Mai, Chủ tịch hội trái cây nói “Nguyên nhân không phải ở chỗ chúng ta không có thị trường. Hàng tuần, Hiệp hội chúng tôi đều nhận được những đơn, thư hỏi mua trái cây của khách hàng nước ngoài. Nhưng khi chúng tôi hỏi các doanh nghiệp có đủ hàng hóa đáp ứng được theo yêu cầu của khách hàng không thì hầu như không có doanh nghiệp nào có. Như vậy, cái chính là do chúng ta đang rất thiếu đầu vào”. Đây chính là một nghịch lý lớn của trái cây Việt Nam hiện nay, khi mà sản lượng trái cây hàng năm của chúng ta có tới 6 triệu tấn. Thế nhưng, 6 triệu tấn trái cây ấy, hầu như không có khả năng “chinh chiến” trên thị trường quốc tế do kém chất lượng, thiếu tính an toàn …Còn để tìm ra được một lượng “tinh binh” đảm bảo được tiêu chí trái cây hàng hóa để có thể xuất khẩu được, doanh nghiệp phải “đỏ cả con mắt” mà tìm không ra. Theo TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện CĂQ Miền Nam, nguyên nhân chính của tình trạng này là do tình trạng sản xuất trái cây nhỏ lẻ, manh mún ở tất cả các vùng trồng trái cây đều chưa khắc phục được. Ông Nguyễn Văn Giàu, GĐ Sở NN-PTNN Đồng Nai, thừa nhận “Nông dân vẫn muốn trồng trong vườn của mình nhiều loại trái cây khác nhau để lỡ cây này thất thì lấy cây kia bù vào. Vì vậy, việc hình thành một vùng chuyên canh cho riêng một loại cây là rất khó”. “Nghịch lý thứ hai là giá bán trái cây Việt Nam nói chung ở mức cao nhất trong khu vực” – bà Võ Mai nhận xét. Giá trái cây quá cao, lại cũng do tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ khiến cho giá thành sản xuất bị đội lên cao. Theo bà Võ Mai, nếu sản xuất trái cây trên diện tích lớn hay các vùng liên kết lại thành HTX thì giá thành sản xuất trái cây sẽ được giảm đi nhiều bởi nông dân sẽ giảm được chi phí chăm sóc, mua vật tư…Ông Lê Phúc, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Nông Nghiệp Ninh Phú (phường Đài Sơn, Phan Rang, Ninh Thuận) cũng khẳng định “HTX chúng tôi hiện có 16 xã viên với tổng diện tích gom lại là 3 ha, chuyên trồng nho an toàn. So với việc sản xuất lẻ ở mỗi hộ trước đây, thì bây giờ, hiệu quả sản xuất tính ra cho từng hộ đã cao hơn tới 20% do giảm được giá thành sản xuất”. Bên cạnh đó còn có một nguyên nhân rất quan trọng là thất thoát trong và sau thu hoạch của trái cây vẫn còn quá lớn, tới 25-30%. Công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch trong sản xuất trái cây hầu như vẫn còn bỏ trắng. Người nông dân hầu như chưa được huấn luyện, trang bị các kỹ thuật, thiết bị trong những công đoạn quan trọng này. Bởi vậy, lượng trái cây bị dập nát, bị thối… là rất lớn. Như vậy, để khắc phục được nghịch lý nói trên, ngay từ bây giờ, chúng ta phải sớm tổ chức lại trái cây hàng hóa theo yêu cầu của thị trường chứ không phải là trái cây chung chung. Mà trong đó, sự liên kết để hình thành cung cách làm ăn tập thể là yếu tố hàng đầu.