Nâng niu giá trị nông sản Việt
Ðang là thời điểm thu hoạch rộ nhiều loại trái cây như vải, xoài, mận, dưa hấu... nhưng do dịch Covid-19, việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, cả ở thị trường trong nước lẫn xuất khẩu, khiến nhà nông lo lắng.
Theo đó, Bộ NN và PTNT sẽ cùng ba tổ chức chính trị - xã hội xây dựng các hình mẫu về kết nối cung - cầu nông sản, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng và các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19. Nông sản sẽ được thu hái, sơ chế, đóng gói đúng quy trình, bảo đảm chất lượng tươi, ngon, có thông tin rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, thời gian thu hái, đóng gói... đồng thời có giấy xác nhận an toàn dịch Covid-19. Ngoài các điểm bán hàng trực tiếp bảo đảm an toàn dịch bệnh, sẽ tổ chức bán hàng qua hệ thống thương mại điện tử. Trước mắt, Bộ NN và PTNT sẽ xây dựng 10 điểm tiêu thụ tại Hà Nội và 10 điểm tại các địa phương khác. Trung ương Ðoàn cũng sẽ sớm triển khai, đưa vào hoạt động 10 điểm tiêu thụ nông sản an toàn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hiện có hệ thống hơn 700 cửa hàng hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm cũng cam kết triển khai các điểm tiêu thụ nông sản an toàn. Hy vọng bằng sự hiệu quả thiết thực, các mô hình mẫu này sẽ tiếp tục được nhân rộng và với một lượng đông đảo hội viên, đoàn viên tham gia, hưởng ứng sẽ tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần kết nối cung - cầu nông sản, khắc phục được sự đứt gãy trong lưu thông, tiêu thụ nông sản do dịch Covid-19.
Với tinh thần "Nâng niu giá trị nông sản Việt - Kết nối nông sản - San sẻ yêu thương - Vượt qua đại dịch", Bộ trưởng NN và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, tất cả các điểm tiêu thụ nông sản này sẽ được in lô-gô của Bộ NN và PTNT, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và sẽ không còn từ "giải cứu" nữa. Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng bày tỏ kỳ vọng, mô hình này sẽ chứng minh cho xã hội thấy, nông sản không phải là thứ để giải cứu mà đó là sản phẩm để chúng ta nâng niu. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng cho rằng, đây chỉ là những giải pháp tình thế, tạm thời để giải phóng nông sản ùn ứ do dịch bệnh, về lâu dài, để nền nông nghiệp phát triển bền vững, cần có những giải pháp căn cơ hơn, chẳng hạn như, phải thiết lập một hệ thống thông tin, dữ liệu đầu cung từ quy mô, sản lượng, chất lượng, thời điểm thu hoạch... cung cấp thường xuyên cho các hệ thống bán lẻ, hệ thống phân phối lớn. Hoặc phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Người làm nông nghiệp không phải cứ thích gì làm nấy, mà còn phải có trách nhiệm với xã hội, thực hiện quy trình nuôi, trồng, chăm sóc bảo đảm an toàn vệ sinh, bởi nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành nông nghiệp là bảo đảm bữa ăn an toàn, chất lượng cho gần một trăm triệu người dân Việt Nam.
Lâu nay, do nhiều lý do khác nhau, có cả việc cuộc sống của đại bộ phận người dân ngày càng trở nên no đủ, cho nên sản phẩm nông nghiệp đôi lúc chưa được người tiêu dùng và kể cả người sản xuất coi trọng đúng mức, thậm chí rẻ rúng. Bài toán về đứt gãy cung - cầu, rủi ro mùa vụ, nông sản ùn ứ, rớt giá có lẽ đang dần có lời giải khi chúng ta biết nhìn nhận đúng đắn, nâng niu, trân trọng những giá trị sản phẩm do người dân vất vả một nắng hai sương làm ra, để từ đó có sự chia sẻ, đồng hành cùng những người đang hằng ngày làm ra sản phẩm nuôi sống mọi người.