Nâng cao hiệu quả kinh tế trên đất lúa
Cuối tuần qua, tại Tiền Giang, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị tổng kết SX trồng trọt 2013, triển khai kế hoạch 2014 và tái cơ cấu ngành trồng trọt Nam Bộ.2 điểm nhấn được đưa ra là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa và xây dựng vùng nguyên liệu lúa XK.
Chuyển đổi hiệu quả
Theo PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, trong năm qua, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả ở ĐBSCL đã có bước đầu chuyển biến tích cực. Ở các tỉnh và các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp đã thực hiện một số mô hình chuyển dịch SX luân canh trên đất lúa, các mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng cây rau màu, cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao.
Ở Cần Thơ, diện tích chuyển đổi trồng mè tăng cao do cây mè chịu hạn thích hợp với những vùng đất đê bao chưa hoàn chỉnh, thiếu nước tưới cho lúa XH. Giá mè lại ít biến động, thu nhập cao. Lợi nhuận bình quân cho 1 ha mè từ 17 - 25 triệu đồng. Nếu nông dân canh tác trồng 2 vụ lúa- 1 mè thì thu nhập tăng thêm từ 5 - 16 triệu đồng so với canh tác 3 vụ lúa liên tục…
Ngoài ra, người dân còn trồng cây đậu nành, với lợi nhuận trên 17,6 triệu đ/ha/vụ, cao hơn lúa 5,7 triệu đồng hoặc trồng luân canh lúa với các loại cây hoa màu khác cho lợi nhuận tăng thêm từ 5 - 16 triệu đ/ha so với canh tác 3 vụ lúa liên tục.
Ở Long An, cây mè, cây bắp… phát triển rất tốt trên nền đất lúa. Vụ ĐX 2012 - 2013, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện mô hình “Ứng dụng quy trình thâm canh trồng bắp lai” nhằm nâng cao hiệu quảSX trên vùng đất lúa của huyện Đức Hòa và đã nhân rộng ở nhiều địa phương khác của huyện Đức Huệ. Mô hình đã đạt doanh thu khoảng 47 - 49 triệu đ/ha, lợi nhuận trung bình từ 22 - 25 triệu đ/ha.
Bắp là cây trồng cần đẩy mạnh luân canh trên đất lúa
Tỉnh đã chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu mè, phối hợp với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, đây là điều kiện thuận lợi để giúp cho cây mè phát triển ổn định trong tương lai. Trong vụ XH, diện tích trồng mè là 2.250 ha, chủ yếu tập trung ở các huyện Vĩnh Hưng (1.000 ha), Tân Hưng (850 ha), Đức Huệ (400 ha)...
Ghi nhận kết quả thu được ở các nơi cho thấy năng suất trồng theo hình thức quảng canh bình quân đạt 0,5 - 0,8 tấn/ha, Riêng một số nông hộ có đầu tư thâm canh thu được từ 1,2 - 1,4 tấn/ha, chi phíSX 13 - 15 triệu đ/ha, lợi nhuận bình quân 10 - 15 triệu đ/ha…
PGS.TS Phạm Văn Dư cho rằng tiềm năng chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở ĐBSCL còn rất lớn. Chẳng hạn cây bắp ở ĐBSCL mới được trồng để làm thức ăn cho người, chưa trồng các giống bắp làm TĂCN… Trong năm 2014 và những năm tới, các cây trồng quan tâm đẩy mạnh phát triển trên đất lúa là bắp, mè và đậu nành.
Theo đó, chú trọng việc mở rộng diện tích bắp vụ XH trên diện tích đất lúa năng suất thấp, kém hiệu quả.SX đậu nành chủ yếu trên đất phù sa luân canh sau lúa. Trên những vùng có đê bao và đất giồng thì đậu nành có thểSX trong vụ ĐX, mặc dù với diện tích nhỏ nhưng cần phải phối hợp nông dân hình thành tổSX liên kết để tạo thành vùngSX tập trung hàng hóa lớn thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm.
Cây mè có thời gian sinh trưởng ngắn (75 ngày) rất thích hợp gieo trồng trong khoảng thời gian chuyển tiếp 2 vụ lúa ĐX và HT. Đặc biệt là đối với vùng đất xám bạc màu thì cây mè tỏ rõ ưu thế thích nghi, ít sử dụng nước, thích hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, đầu tư vốn ít, lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa.
Xây dựng vùng nguyên liệu lúa
Trong năm qua, mô hình cánh đồng lớn (CĐL) ở ĐBSCL đã đạt cả quy mô và diện tích như dự kiến của giai đoạn 1. Trong đó, các tỉnh, TP Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng và Trà Vinh đã tổ chức tốt các mô hình CĐL, thiết lập các chương trình, dự án và các bước triển khai rất có hiệu quả.
Ông Phạm Văn Quỳnh, GĐ Sở NN-PTNT Cần Thơ cho biết, “Ngành nông nghiệp Cần Thơ đã xác định ngay rằng không có xã nào không thể làm được CĐL. Sau 2 năm thực hiện CĐL, riêng về hiệu quả kinh tế, không có CĐL nào mà không cho lợi nhuận cao hơn so với những ruộng bên ngoài”.
Trong năm 2014, ĐBSCL sẽ chuyển sang giai đoạn 2 của mô hình CĐL: Xây dựng vùng nguyên liệu lúa XK. Theo đó, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu lúa cho XK sẽ dựa trên quy mô và liên kết mô hình CĐL trên cơ sở quy hoạch của từng tỉnh về vùng nguyên liệu. Vùng nguyên liệu phải được đầu tư hạ tầng và hệ thống thủy lợi phục vụSX lúa; có quy mô diện tích tùy theo tình hình thực tế của việc ký kết, thu mua của các doanh nghiệp XK;SX theo đơn đặt hàng và theo kế hoạch XK; có thể đạt đến việc SXtheo VietGAP...
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Cục Trồng trọt và Sở NN-PTNT các tỉnh, TP ở ĐBSCL đã liên kết cùng thực hiện việc xây dựng vùng nguyên liệu lúa cho XK. Trong đó, VFA đại diện các doanh nghiệp XK gạo trong liên kết xây dựng vùng nguyên liệu lúa hàng hóa chất lượng cao, cung ứng vật tư đầu vào; đặt hàng nông dân trong vùng nguyên liệuSX 1 - 2 giống lúa; cam kết tiêu thụ hết lúa hàng hóa trong vùng nguyên liệu theo giá thị trường; tổ chức lại hệ thống thương lái tham gia mua lúa vùng nguyên liệu...
Cục Trồng trọt chỉ đạo, kiểm tra các quy trìnhSX và định hướng SX, phối hợp với VFA và các Sở NN-PTNT xác định bộ giống lúa XK cho từng vùng nguyên liệu. Sở NN-PTNT đề xuất quy hoạch, xác định vùng nguyên liệu; tổ chức liên kết nông dân, phát triển các hình thức hợp tác; cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh ứng dụng KHKT; kiểm soát việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV; xác định các giống lúa và khả năng cung ứng trong vùng nguyên liệu; giám sát thực hiện hợp đồng, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tham gia thực hiện liên kếtSX lúa trong vùng nguyên liệu.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh: Tôi rất mừng là các tỉnh, TP đã chủ động trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả. Mới hơn 1 năm đã có nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao. Để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, Cục Trồng trọt phải sớm hoàn thiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, nghiên cứu giải pháp kỹ thuật chuyển đổi cây ngô trên đất lúa ở ĐBSCL. Về việc xây dựng vùng nguyên liệu lúa cho XK, tôi rất hoan nghênh Hiệp hội Lương thực và các doanh nghiệp đã bắt tay tham gia xây dựng các CĐL. CĐL là cơ hội để đồng bộ các TBKT, tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân. TrongSX lúa năm 2014, cần tiếp tục kiên quyết giảm sử dụng giống lúa chất lượng thấp, nhất là trong vụ HT để bớt khó khăn trong việc tiêu thụ. Trồng lúa ở ĐBSCL vẫn còn sử dụng trên 100 giống, có những tỉnh tới trên 40 giống, vậy là quá nhiều và khó đảm bảo đươc chất lượng gạo XK. Bởi vậy, Viện Lúa ĐBSCL cần phải phối hợp với các tỉnh sắp xếp lại cơ cấu giống theo hướng tỉnh nào dùng những bộ giống gì, mỗi địa phương chỉ nên có 3 - 5 giống chủ lực. |