Mốc son mới cho xuất khẩu gạo
(Báo NTNN, số 126 ngày 22-8-2005) Hạt gạo của nước ta đã từ 16 năm nay làm nên điều kỳ diệu: không những nuôi sống được số dân trong nước mỗi năm tăng trên 1 triệu người và hiện đã ở mức 83 triệu người, mà hàng năm còn xuất khẩu được một khối lượng lớn đứng thứ 2, thứ 3 thế giới. Tính từ năm 1989 đến hết tháng 7 – 2005 đã xuất khẩu được 47,6 triệu tấn, với tổng kim ngạch đạt 10,6 tỷ USD. Nói một cách hình tượng, chỉ trong thời gian đổi mới, nhân dân ta đã tạo thêm sản lượng lương thực lớn gấp gần 2 lần sản lượng lương thực của 2 vùng châu thổ lớn nhất nước (là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long) mà ông cha ta đã phải mất hàng nghìn năm mới tạo ra được. Vừa bảo đảm được an ninh lương thực trong nước và vừa xuất khẩu với khối lượng lớn là vai trò của hạt gạo nước ta. Kết quả trên được tiếp tục phát huy trong 7 tháng đầu năm nay. Cụ thể: Tháng 1: 197 nghìn tấn, đạt 49 triệu USD, giá bình quân 248,7 USD/tấn; Tháng 2: 314 nghìn tấn, đạt 87 triệu USD, giá bình quân 277 USD/tấn; Tháng 3: 542 nghìn tấn, đạt 149 triệu USD, giá bình quân 274,9 USD/tấn; Tháng 4: 701 nghìn tấn, đạt 201 triệu USD, giá bình quân 285,7 USD/tấn; Tháng 5: 485 nghìn tấn, đạt 140 triệu USD, giá bình quân 288,7 USD/tấn; Tháng 6: 402 nghìn tấn, đạt 113 triệu USD, giá bình quân 281,1 USD/tấn; Ước tháng 7: 500 nghìn tấn, đạt 130 triệu USD, giá bình quân 260 USD/tấn; Như vậy xuất khẩu gạo trong 7 tháng đầu năm 2005 đã qua 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu từ tháng 1 đến tháng 4, lượng gạo xuất khẩu tăng nhanh qua các tháng và tình hình đó đã làm cho giá lương thực trong nước tăng cao hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng chung (quý 1 tăng 4,9% so với 3,7%, 4 tháng tăng 5,4% so với 4,3%). Giai đoạn thứ 2 từ tháng 4 đến tháng 6, lượng gạo xuất khẩu giảm nhanh để kiềm chế tốc độ tăng giá; tình hình trên đã làm cho giá lương thực tăng thấp hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng chung (tháng 5 tăng 0,2% so với 0,5%, tháng 6 giảm 0,5% so với tăng 0,4%, tháng 7 giảm 0,6% so với tăng 0,4%). Giai đoạn 3 bắt đầu từ tháng 7, lượng gạo xuất khẩu tăng lên. Đạt 500 nghìn tấn, cao hơn mức bình quân 402 nghìn tấn một tháng trong 6 tháng đầu năm. Tính chung 7 tháng đã xuất khẩu được 3,141 triệu tấn, tăng 13,4% hay tăng 371 nghìn tấn, với kim ngạch xuất khẩu đạt 869 triệu USD, tăng 35,9% hay tăng 230 triệu USD, đóng góp gần 9% tổng mức tăng của kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước. Mức đóng góp này chỉ sau có dầu thô (1,029 tỷ USD) và sản phẩm gỗ (273 triệu USD). Giá xuất khẩu gạo đạt 276,7 USD/tấn, tăng khoảng 40 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước và cao thứ 2 trong hơn 16 năm qua (chỉ đứng sau mức giá 289,2 USD/tấn của năm 1996) và đang trong xu hướng tăng lên nữa. Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng kim ngạch xuất khẩu chung; do nông dân chiếm tỷ trọng lớn nhất trong dân số; nên đã tạo cho tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng tăng tới 19% so với cùng kỳ; đồng thời tạo cho nông dân phấn khởi gia tăng đầu tư cho vụ hè thu và vụ mùa. Khí thế trên, cộng với thị trường xuất khẩu gạo đang mở ra nhiều triển vọng (tính đến nay Việt Nam đã ký được hợp đồng xuất khẩu 4,3 triệu tấn với giá cả ở mức khá). Lượng xuất khẩu gạo năm nay sẽ vượt qua mốc 4,1 triệu tấn, cao thứ 2 từ trước tới nay (chỉ sau mức 4,508 triệu tấn của năm 1999) và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo sẽ vượt qua mốc 1,1 tỷ USD, đạt mức cao nhất từ trước tới nay (trong 16 năm trước đó chỉ có 2 năm vượt qua mốc 1 tỷ USD là năm 1998 đạt 1,006 tỷ USD và năm 1999 đạt 1,025 tỷ USD. Bảng vàng xuất khẩu gạo đạt được mốc son mới cả về lượng xuất khẩu, cả về kim ngạch xuất khẩu.