ĐBSCL: Quyết dành thắng lợi vụ Hè Thu
(Báo Nông nghiệp Việt Nam - 28/3/2005) Miền Trung, Tây Nguyên đã bị mất mùa nặng nề do nắng hạn kéo dài, miền Bắc mới gieo cấy vụ Đông Xuân. Bởi vậy, sản xuất vụ Hè Thu 2005 ở ĐBSCL phải tiếp tục giành thắng lợi để đáp ứng nguồn gạo xuất khẩu, đảm bao an ninh lương thực quốc gia. Theo Cục Nông nghiệp, do khô hạn kéo dài và đặc biệt là xâm nhập mặn trên diện rộng, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã phải lùi thời vụ xuống giống vụ Hè Thu tới 15/4 để chờ mưa và giảm bớt việc sử dụng nước vào mùa cạn kiệt. Một số tỉnh thường gieo trồng vụ lúa xuân hè (hè thu sớm) như Tiền Giang, Cần Thơ và Hậu Giang đã bỏ hẳn kế hoạch gieo trồng vụ này. Vì vậy, diện tích gieo trồng vụ xuân hè của cả vùng sẽ giảm khoảng 130 ngàn ha so với vụ xuân hè trước. Mặc dù diện tích lúa hè thu chính vụ sẽ tăng trên 125 ngàn ha so với cùng kỳ 2004, nhưng diện tích lúa thu đông (hè thu muộn) cũng giảm tới hơn 129 ngàn ha so với thu đông năm trước. Tính tổng cộng, trong 3 vụ hè thu sớm, chính vụ và muộn ở ĐBSCL, diện tích sẽ giảm khoảng 134.834 ha, năng suất giảm 0,07 tấn/ha so với cùng kỳ năm trước. Do đó, sản lượng lúa của toàn bộ vụ hè thu giảm tới 718.226 tấn so với tổng sản lượng của vụ hè thu 2004. Đây là con số giảm khá lớn vì theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Bùi Bá Bổng, ở miền Trung và Tây Nguyên, hạn hán đã làm mất đi nửa triệu tấn lương thực. Trước tình hình đó, để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và nguồn gạo xuất khẩu, Cục Nông nghiệp đã đề nghị các Sở NN&PTNT ở ĐBSCL cần xem xét lại kế hoạch ban đầu, cân nhắc kỹ việc giảm diện tích gieo trồng lúa trong vụ hè thu tới. Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cho rằng "dù khó khăn về nguồn nước, vụ hè thu này ở ĐBSCL cũng phải đảm bảo thắng lợi. Ngàng nông nghiệp các tỉnh cần phải chủ động đề xuất lên UBND tỉnh để lấy ngân sách địa phương và huy động các ban ngành và nhân dân cùng khẩn trương bắt tay vào nạo vét kênh mương, tổ chức bơm tát chống hạn. Đặc biệt, từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 5, là thời điểm xuống giống trà lúa tốt nhất trong vụ hè thu. Vì vậy, công tác thuỷ lợi cần phải làm thật quyết liệt trong thời gian này". Để xuống giống kịp thời trong điều kiện thiếu nước, PGS.TS Bùi Chí Bửu - Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL đề nghị các địa phương nên hướng dẫn cho nông dân áp dụng biện pháp sạ khô bằng cách cày ải ngay sau khi thu hoạch lúa đông xuân. Bên cạnh việc đảm bảo sản lượng, việc nâng cao chất lượng hạt gạo thì hiệu quả sản xuất lúa hè thu cũng đang là những vấn đề rất được ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL quan tâm. Cục Nông nghiệp đề nghị các địa phương nên khuyến khích mở rộng các diện tích trồng các giống lúa thơm, lúa đặc sản như Jasmine, Nàng thơm, Nam thơm, nếp OM3536, VĐ20, ST1, ST3, ST5, MTL250... Diện tích dùng lúa giống xác nhận đã đạt tới 1/3 diện tích gieo trồng trong vụ đông xuân, cần phải tiếp tục mở rộng trong vụ hè thu này bằng việc hình thành hệ thống sản xuất giống xác nhận 3 cấp, mà các tỉnh như Long An, Đồng Tháp, An Giang ... đang làm khá thành công. Bên cạnh đó, biện pháp "3 giảm, 3 tăng" tiếp tục được coi giải pháp hữu hiệu để giúp nông dân giảm giá thành sản xuất lúa. Trong vụ đông xuân 2004-2005, diện tích áp dụng "3 giảm, 3 tăng" ở các tỉnh ĐBSCL là 368.035 ha (lợi nhuận tăng thêm ở 3 điểm thực hiện giải pháp này trên quy mô lớn là Tiền Giang, Cần Thơ và An Giang đạt bình quân 1.219.667 đồng/ha). Hiện nay ở hầu khắp các địa phương thuộc ĐBSCL, "3 giảm, 3 tăng" đều đã được đưa vào nghị quyết, đây là dấu hiệu cho thấy chương trình này đang đi vào cuộc sống, được chính quyền và nhân dân các địa phương ủng hộ và cần phải nhân rộng hơn nữa. Ngoài ra, các địa phương cũng cần có những cách làm sáng tạo để kích thích nông dân sản xuất lúa đạt chất lượng và hiệu quả cao. Trong vụ đông xuân, nhờ cuộc thi đua này, nông dân An Giang đã tăng thêm lợi nhuận tới 200 tỷ đồng. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Bùi Bá Bổng: "Để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong điều kiện khô hạn đầu vụ, ĐBSCL không nên chỉ dừng ở "3 giảm" (giảm lượng lúa giống, giảm phân bón, giảm thuốc trừ sâu), mà phải nâng lên là "1 phải, 5 giảm". Đó là: phải dùng giống lúa xác nhận chất lượng cao; ngoài 3 giảm nói trên, phải thêm 2 giảm nữa là giảm lượng nước tưới (tiết kiệm nước) bằng các giải pháp canh tác, giống, luân canh rau màu trên những vùng đất cao... và giảm thất thoát sau thu hoạch (vụ hè thu thất thoát nhiều nhất, tới 18-20%) bằng việc tăng cường đưa máy móc vào khâu thu hoạch, phơi sấy, bảo quản...