Ngày 29/3, tại Tp.HCM đã diễn ra Hội thảo Quốc tế đầu tiên về “Quản lý chất lượng và tiếp thị ca cao Việt Nam”. Buổi Hội thảo đã “nóng” lên khi hàng loạt các nghiên cứu mới nhất về chất lượng ca cao và các dự án mang tính “tăng tốc” cho loại cây này được đưa ra thảo luận…
Trước những yêu cầu khắt khe về chất lượng thực phẩm của thế giới hiện nay, ông Ross Jaax _ Giám đốc dự án Success Alliance đã thẳng thắn đưa ra quan điểm “Mặc dù giá ca cao hiện nay tại Việt Nam rất cao, đạt 20.000 đồng/kg, nhưng chúng tôi luôn theo đuổi phương án tránh mở rộng diện tích cây ca cao một cách ồ ạt. Bài học cây cà phê là quá đắt giá! Điều chúng tôi muốn nhắm đến là chất lượng và sản xuất đúng đắn!”. Để thể hiện bằng hành động, ông Ross cho biết, dự án đang xúc tiến xây dựng hàng loạt Câu lạc bộ (CLB) ca cao trong thời gian tới với quy mô 40-50 hộ nông dân/ CLB (hiện đã có 1 CLB); đào tạo đội ngũ tập huấn viên (đã có 225 tập huấn viên được đào tạo) nhằm hướng dẫn nông dân cách chuyển giao công nghệ sạch, giúp xây dựng các CLB với khoảng 17.000 nông dân tại các tỉnh có trồng nhiều ca cao như Đắk Lắk, Bến Tre, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Đắk Nông tham gia. Đặc biệt, việc xây dựng năng lực các vườn ươm giống sẽ được Dự án chú trọng nhằm đảm bảo mỗi năm cung cấp khoảng 2 triệu cây giống ca cao chất lượng tốt.
Một nghiên cứu mới nhất về chất lượng hạt ca cao Việt Nam cũng được Tiến sĩ Lâm Thanh Hiền – Trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM đưa ra khá khả quan: Tất cả 6 mẫu ca cao tại Bến Tre và Đắk Lắk được đem đi phân tích, khảo sát tại những phòng thí nghiệm tốt nhất thế giới đều nằm trong phạm vi chất lượng của mẫu chuẩn. Theo TS Hiền “Đây là một kết quả rất đáng vui mừng, bởi lẽ cây ca cao được phát triển mới chỉ vài năm gần đây ở Việt Nam. Đánh giá ban đầu này đã tạo nên sự tự tin lớn cho triển vọng phát triển ngành ca cao, chất lượng cao tại Việt Nam trong thời gian tới!”. Không những thế, theo ông Nguyễn Vĩnh Thành – Giám đốc thu mua ca cao – Cty Cargill Việt Nam tiết lộ thêm “Đây là những mẫu được gửi đi cách đây trên 1 năm trước, lúc người dân chưa được tập huấn nhiều về phương pháp trồng trọt cũng như lên men như hiện nay. Vì thế, chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng, ca cao Việt Nam vào thời điểm này còn tốt hơn nhiều…!”.
Riêng Tiến sĩ Smilja Lambert – Chuyên gia cao cấp về ca cao của Australia còn khiến những người quan tâm đến ngành ca cao Việt Nam hào hứng hơn khi chính thức công bố Dự án mới “Giúp đánh giá chất lượng ca cao Việt Nam” do Chính phủ Australia tài trợ. Điều mới mẻ nhất của Dự án này là sẽ giúp nâng cao năng lực của các nhà khoa học Việt Nam, chuyển giao khuyến nông, tối ưu hóa phương pháp lên men, đồng thời tập trung xây dựng các Trung tâm đánh giá cảm quan (nếm thử), cùng các phòng phân tích hóa học và sinh học liên quan đến cây ca cao mà từ trước tới nay Việt Nam chưa từng có. TS Mmilja Lambert hồ hởi cho biết “Sắp tới, chúng tôi sẽ đưa sang Việt Nam các lò sấy ca cao sử dụng năng lượng mặt trời, và các bạn sẽ thật sự ngạc nhiên khi biết rằng, giữa mùa mưa, người nông dân vẫn có thể phơi sấy ca cao thật dễ dàng như giữa mùa nắng nóng!”.
Ông Ross Jaax – Giám đốc Dự án Success Alliance:
Đến năm 2010, diện tích cây ca cao Việt Nam sẽ đạt khoảng 20.000 ha. Vì thế, vấn đề duy trì chất lượng cho hạt ca cao trong chuổi giá trị là điểm chủ chốt giúp ngành ca cao Việt Nam phát triển bền vững và có tính cạnh tranh thương mại trên thị trường thế giới. Các bên liên quan bao gồm nông dân, quan chức Chính phủ, các Viện nghiên cứu, các nhà thu mua, nhà chế biến cần gắn kết hơn nữa trong việc tìm giải pháp hiệu quả để quản lý chất lượng cũng như tiếp thị ca cao Việt Nam trong thời gian tới.
Theo Báo NNVN
Các tin khác
- Câu chuyện quản lý: Hãy trồng mía đi rồi… chặt bỏ!
- Tranh chấp “Nàng Thơm Chợ Đào” ở… Mỹ
- Giới hạn về hàm lượng thuốc trừ sâu trong cà phê nhân nhập vào Mỹ và quy định mới của EU về gi
- Xuất khẩu nông sản: Thiếu chiến lược, bị ép giá…
- Hơn 200 nghìn ha lúa ở các tỉnh phía nam nhiễm sâu, bệnh
- Diễn biến thị trường lúa, gạo: Nông dân “ôm hàng” chờ tăng giá
- Trồng mía dưới… vuông tôm
- Niên vụ cà phê 2005-2006: Khó khăn được báo trước
- Nông dân ồ ạt trồng mì: Lợi trước mắt, họa lâu dài
- Diệt trừ côn trùng hại thanh long
Bảng giá nông sản
Hạt mắc ca | 70.000 |
Ca cao | 180.000 |
Cao su | 148.000 |
Gạo IR 504 | 12.500 |
Cà phê | 125.600 |
Bơ sáp | 25.000 |
Sầu riêng Ri đẹp | 65.000 |
Điều | 40.000 |
Hồ tiêu | 119.000 |
Hỏi đáp
Bình Điền giải đáp các câu hỏi về việc sử dụng phân bón và phòng trừ sâu bệnh cho nhà nông.
Tỷ giá Ngoại tệ