PHÒNG NGỪA BỆNH LEM LÉP HẠT LÚA
Có lẽ, với người nông dân, không có nỗi buồn nào hơn việc nhìn cánh đồng lúa đầy bông nhưng chỉ toàn lép lửng. Thực tế, trong sản xuất lúa, bệnh lem lép hạt thường xuyên xảy ra trên đồng ruộng, và trong tất cả các vụ lúa. Bệnh có xu thế ngày càng tăng lên trong điều kiện thâm canh lúa, và tình hình biến đổi khí hiện nay. Điều này đã làm ảnh hưởng lớn đến năng suất và đặc biệt làm giảm đáng kể chất lượng lúa gạo.
Bệnh lem lép hạt lúa là tên gọi của hiện tượng hạt lúa bị lửng, tức bên trong có gạo rất ít hoặc lép thì bên trong hoàn toàn không có gạo. Khi hạt lúa bị lửng và lép, có thể kèm theo triệu chứng vỏ hạt lúa và hạt gạo bị đổi màu tùy theo tác nhân gây ra.
Theo các nhà khoa học, bệnh lem lép hạt lúa do nhiều tác nhân gây ra trong giai đoạn lúa trổ bông.
- Thứ nhất là do những yếu tố môi trường gồm: thiếu dinh dưỡng, cụ thể là thiếu các nguyên tố đa, trung và vi lượng, hay đất bị chua phèn; Do thiếu nước, nhất là lúc trổ; Bị mưa to, gió lớn lúc trổ; Bị sốc nhiệt độ (nóng quá hoặc lạnh quá) lúc trổ;
- Thứ hai là do các loài dịch hại gây ra như: cỏ dại cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng và nước với cây lúa; Do các loài vi khuẩn gây hại; Do các loài nấm bệnh; Do nhện gié và các côn trùng gây ra.
Với những tác nhân trên thì khi gặp điều kiện thích hợp bệnh sẽ phát sinh phát triển. Cụ thể, đối với yếu tố dinh dưỡng thì có thể xảy ra ở tất cả các vụ trong năm. Còn lại tùy theo mùa vụ mà các tác nhân gây lem lép hạt sẽ khác nhau. Ví dụ, ở Vụ Hè Thu, nếu bị mưa to, gió lớn, nắng nóng lúc trổ bông, hay thời tiết nóng ẩm vụ Hè Thu rất thích hợp cho các loài vi khuẩn như bạc lá, các nấm như khô vằn, và nhện gié phát triển gây hại nặng… Còn ở vụ Đông Xuân, nếu ruộng bị bón dư phân đạm, lại gieo sạ dày, thời tiết âm u, ít nắng, đêm có sương mù nhiều và se lạnh thì thường bị các loài nấm bệnh như đạo ôn sẽ gây hại nặng gây bệnh lem lép hạt.
Và nếu như trước đây, chỉ cần thăm đồng và phát hiện dấu hiệu bệnh hại tấn công đồng ruộng, người làm lúa sẽ lập tức dùng ngay các loại thuốc BVTV để phòng trừ. Thì hiện nay, tại ĐBSCL, việc này không còn nữa. Thay vào đó là sự kiểm tra, xác định nguyên nhân, mật độ sâu bệnh trước khi quyết định có nên hay không nên sử dụng thuốc.
Không chỉ vậy, việc dùng thuốc bừa bãi cũng không còn. Người nông dân đã biết áp dụng qui tắc 4 đúng trong việc chăm sóc lúa. Đặc biệt là khâu phòng trừ sâu bệnh hại nói chung, bệnh lem lép hạt nói riêng. Đây là kết quả của việc tham gia mô hình canh tác lúa thông minh của bà con. Người nông dân nơi đây, giờ đây đã dần trở thành chuyên gia đồng ruộng, trồng lúa theo khoa học và làm giàu từ chính nghề nông. Không còn mù mờ về các loại thuốc bảo vệ thực vật, tính toán, so sánh hiệu quả kinh tế trước khi quyết định dùng hay không dùng, dùng với liều lượng bao nhiêu, thay đổi gốc thuốc nào cho hiệu quả,… là những minh chứng rõ ràng cho những kiến thức mà người nông dân trang bị khi trồng lúa. Và đặc biệt, ở thời kì lúa trổ chín, một trong những giai đoạn quyết định nhiều đến năng suất vụ mùa, bài toán này càng được người nông dân cẩn trọng áp dụng để nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.
Các nhà khoa học cảnh báo, với các loại bệnh do vi khuẩn trên cây lúa sẽ phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết mưa bão nhiều, độ ẩm không khí cao và môi trường canh tác không tốt. Mặt khác việc sản xuất lúa của bà con ngày nay hầu như diễn ra quanh năm, kết hợp với một số sai lầm trong kỹ thuật canh tác, mà đặc biệt là tập quán sạ dày, bón phân thừa đạm trong quá trình sản xuất lúa của bà con đã góp phần làm cho bệnh vi khuẩn càng có điều kiện thuận lợi để tồn tại và phát triển ngày càng mạnh hơn. Bệnh do vi khuẩn lây lan rất nhanh trên đồng ruộng, và một khi đã xảy ra ở cấp độ nặng thì việc phòng trị sẽ gặp nhiều khó khăn.
Cây lúa bị nhiễm các loại bệnh do vi khuẩn sẽ khó phát triển lá. Sau đó sẽ bị khô và chết; bông lúa bị lép lửng hoặc lép hoàn toàn, gây thiệt hại rất nặng về năng suất. Do vậy bà con nông cần phải có biện pháp phòng trị, ngăn chặn bệnh kịp thời và hiệu quả, tránh để lây lan ra diện rộng.
Việc diệt trừ các loại bệnh do vi khuẩn trên cây lúa thường hiệu quả không cao và rất tốn kém. Do vậy phòng bệnh là biện pháp tối ưu. Yếu tố đầu tiên là cần phát hiện bệnh sớm và biết được tác nhân gây bệnh là loài vi khuẩn gì, thì việc phòng trị bệnh mới đạt hiệu quả.
Ngoài việc sử dụng thuốc BVTV, để đối phó có hiệu quả với những loại bệnh do vi khuẩn trên cây lúa, bà con nông dân còn cần chú ý áp dụng tốt kỹ thuật canh tác và bón phân chăm sóc lúa. Trong đó hai yếu tố quan trọng là phải gieo sạ với mật độ vừa phải, và bón phân cân đối, không lạm dụng phân đạm.
Riêng bệnh lem lép hạt, để phòng ngừa, các nhà khoa học khuyến cáo, bà con cần áp dụng tổng hợp các biện pháp sau:
- Chọn giống lúa kháng sâu, bệnh.
- Xử lý hạt giống trước khi gieo sạ.
- Tháu chua rửa mặn, khử độc hữu cơ cho đất. Giai đoạn trước khi gieo sạ, bà con nên bón lót phân chuyên dùng Đầu Trâu Mặn Phèn, với lượng bón 100 – 160 kg/ha
- Gieo cấy đúng thời vụ, sạ thưa 80-100 kg giống/ha.
- Bón phân đầy đủ và cân đối, cung cấp thêm các loại trung, vi lượng. Cụ thể,
Giai đoạn 7-10 ngày sau sạ, bón thúc 1, phân Đầu Trâu TEA1, lượng bón 100-150kg/ha
Giai đoạn 18-22 ngày sau sạ, bón thúc 2, phân Đầu Trâu TEA1, lượng bón 120-150 kg/ha
Giai đoạn 38-42 ngày sau sạ, bón thúc 3, phân Đầu Trâu TEA2, lượng bón 80-100 kg/ha
- Phòng trừ tốt các loại côn trùng, nhện và bệnh hại. Vào giai đoạn trước trổ và sau khi trổ đều, phun các loại thuốc trừ nấm bệnh bạc lá, bệnh khô vằn, nhện gié ở vụ hè thu. Trong vụ đông xuân thì phun các loại thuốc đạo ôn.